Công văn số 114/DSVH-DT do Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) Lê Thị Thu Hiền ký đã nhắc lại, ngày 14/10/2019, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 4141/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc đề nghị xử lý công trình Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, trong đó đề nghị UBND tỉnh Hà Giang: “… chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật; tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp theo hướng: Cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang …”.
Tuy nhiên, theo Cục Di sản Văn hóa, cho đến nay, tỉnh Hà Giang vẫn chưa có báo cáo về phương án xử lý vấn đề nêu trên.
Tại Công văn 114, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh Hà Giang có văn bản gửi Bộ VHTTDL về việc xử lý công trình Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng để danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng được bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Công trình không phép tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) mọc lên ngay điểm ngắm vực Tu Sản - vực nước sâu kỳ vĩ nhất Đông Nam Á đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình của dư luận. Bộ VHTTDL đã có văn bản đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp. Nhưng đến nay, sau gần nửa năm, qua nhiều cuộc họp bàn và các văn bản yêu cầu xử lý, mọi việc vẫn chưa được xử lý. Chủ đầu tư công trình Panorama trên đỉnh Mã Pì Lèng vẫn mở cửa phục vụ du khách.