Dân Việt

Đi qua mùa hạn mặn ở miền Tây (kỳ cuối): Cùng nhau vượt khó

Huỳnh Xây - Chúc Ly 04/03/2020 13:40 GMT+7
Ngành chức năng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cùng Bộ NN&PTNT và Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các giải pháp hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra trong mùa khô năm 2019-2020 cũng như giúp người dân chuyển đổi từ cây lúa vùng kém hiệu quả sang cây trồng khác theo tinh thần của Nghị quyết 120.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, ở Bến Tre, trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình trạng mặn xâm nhập sâu và duy trì ở mức rất cao từ nay đến cuối tháng 3/2020, lãnh đạo tỉnh này đã cho xây dựng nhiều công trình đập tạm ngăn mặn.

img

Công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai (đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành, cách cầu Ba Lai cũ khoảng 150m về phía hạ nguồn) là một trong những giải pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn sau khi tỉnh có quyết định tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn. (Ảnh: Huỳnh Xây)

img

Ngoài đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai, một số con sông khác ở tỉnh Bến Tre cũng được làm đập tạm. Nhiệm vụ của các công trình này là giúp người dân trong vùng có được nguồn nước ngọt sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đồng thời đảm bảo cho các nhà máy nước có nguồn nước ngọt để cung cấp cho người dân (Ảnh: Huỳnh Xây)

Ở Sóc Trăng, nhiều ngày qua, để ngăn nước mặn vào nội đồng, ngành chức năng đã đóng nhiều cống điều tiết nuớc. UBND tỉnh Sóc Trăng cho hay, giải pháp công trình này có hiệu quả, qua đó đã giúp địa phương không có diện tích lúa nào nằm trong quy hoạch bị thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

img

Trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét trình Chính phủ hỗ trợ tỉnh triển khai ngay các công trình cấp thiết nhằm khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn với tổng số vốn dự kiến khoảng 1.368 tỷ đồng (Ảnh: Huỳnh Xây)

Những ngày qua, giữa những ngày nắng "cháy da", nhiều đoàn công tác của Bộ NN&PTNT liên tục đi đến các cánh đồng lúa ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi hạn mặn để tìm hiểu và đưa ra các biện pháp để giải quyết.

img

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đi khảo sát thực tế đê biển Tây (Ảnh: Chúc Ly)

img

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (áo xanh, bên phải) đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau có giải pháp hạn chế sử dụng nước ngọt như giãn vụ lúa hoặc chuyển đổi qua cây trồng khác theo tinh thần Nghị quyết 120. Đây cũng một trong những giải pháp hạn chế sạt lở và có nước đảm bảo sinh hoạt cho người dân trong mùa khô (Ảnh: Chúc Ly)

img

Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng dành nhiều thời gian đến tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng để khảo sát. Ở mỗi nơi đến, Bộ trưởng Cường đánh giá các địa phương đã làm rất tốt công tác phòng chống hạn mặn với nhiều biện pháp cụ thể, hiệu quả, diện tích bị thiệt hại thấp và chủ yếu nằm ở vùng ngoài khuyến cáo (Ảnh: Huỳnh Xây)

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg về việc triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Giữa tháng 2/2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cũng đích thân đi khảo sát vùng nhiễm mặn ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long). 

img

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống hạn mặn, thường xuyên đo độ mặn, thông tin nhanh cho người dân được biết thông qua nhiều phương tiện khác nhau và huy động các nguồn lực triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT có giải pháp cụ thể ứng phó, để giúp người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, ứng dụng công nghệ cao cho giá trị kinh tế cao hơn (Ảnh: Huỳnh Xây)

Hy vọng, với những nỗ lực trên và sự thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, trong những tháng tiếp theo của mùa khô và ở những năm tới, vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn không còn là nỗi lo nữa.