Dân Việt

Ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội: Không khai báo y tế bị xử lý như thế nào?

Vũ Hiếu Đam 07/03/2020 10:45 GMT+7
Đêm 6/3, ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội đã được các cơ quan chức năng xác nhận. Bệnh nhân trú tại 125 Trúc Bạch (Hà Nội) đã đi du lịch châu Âu nhưng khi về Việt Nam mà không khai báo y tế.

Trong cuộc họp khẩn lúc 22h30 tối 6/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông báo ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội là trường hợp dương tính với virus corona thứ 17 tại Việt Nam.

img

Tại phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) nơi phát hiện ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội, lực lượng chức năng đã phong tỏa, một số người dân mang đồ đạc đi ra khỏi khu vực bị chốt chặn.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền báo cáo trước cuộc họp cho biết bệnh nhân Covid-19 thứ 17 của Việt Nam, đầu tiên ở Hà Nội, là N.H.N., 26 tuổi, quản lý khách sạn, địa chỉ ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, vào viện ngày 5/3 (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cơ sở Kim Chung).

Theo thông tin của Sở Y tế Hà Nội, chị N. sang Anh ngày 15-2, ở London đến 18/2 sau đó sang Ý (vùng Lombardy) để du lịch. Đây cũng là khu vực có nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Ý, nhưng thời điểm chị N. có mặt thì dịch chưa bùng phát.

Rời Ý, chị N. đến Paris, Pháp và có gặp chị gái, hiện có thông tin chị gái của chị N. cũng nhiễm bệnh Covid-19. 

Đến ngày 26/2, chị N. quay lại London, ngày 29-2 có biểu hiện ho nhưng không đi khám, đến 1-3 xuất hiện thêm triệu chứng đau mỏi người, không rõ sốt. Chị N. quay về Việt Nam trên chuyến bay của Vietnam Airlines, về nước ngày 2-3. Lúc này chị N. không sốt.

img

Chị N. quay về Việt Nam trên chuyến bay của Vietnam Airlines, về nước ngày 2/3. Lúc này chị N. không sốt.

Trong ngày 2/3, bệnh nhân này có sốt nhẹ, ngày 5/3 sốt 38 độ, ho nhiều, có đờm, mệt mỏi, đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc ở số 55 phố Yên Ninh, Ba Đình và được chẩn đoán viêm phổi.

Việc người dân không khai báo về tình trạng y tế khi ở khu vực có dịch trở về nước như trường hợp nhiễm Covid-19 ở Hà Nội có thể bị xử lý thế nào? 

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay dịch do chủng mới virus corana gây ra toàn cầu, ảnh hưởng đến nền kinh tế của thế giới và đặc biệt rất nghiêm trọng đến đời sống con người, tức gây chết người.

"Chính phủ đã có những chính sách nhằm ngăn chặn và hạn chế bệnh dịch này, bằng các biện pháp cụ thể, như Thủ tướng đã ký quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, nên chúng ta phải thực hiện theo qui định, nếu ai đó mà cố tình trốn tránh khi có mang mầm bệnh thì tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự", luật sư Tuấn thông tin.

img

Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phân tích về việc không khai báo tình trạng y tế khi có dịch Covid-19 sẽ bị xử lý như thế nào?

Cụ thể, điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, không khai báo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.

"Người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.  Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng". vị luật sư phân tích

Chính từ các vấn đề phân tích trên, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhiều hình thức khác nhau, nhiều mức độ khác nhau, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm làm cho chúng ta ý thức được và tự giác hành động thì việc đầy lùi dịch bệnh là một ngày không xa.