Dân Việt

3.000 ngày trốn chạy của người đàn bà mang tội giết chồng

CA TPHCM 15/11/2013 10:32 GMT+7
Sau khi giết chồng không thành, Lan trốn khỏi địa phương, lấy chồng mới, đổi tên và chuyển chỗ ở liên tục trong 9 năm để lẩn trốn.
Đầu tháng 10, sau hơn 9 năm lẩn trốn Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1966, trú tại thôn Làng Bạc, xã Xuân Trung, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) bị truy nã về tội "Giết người" đã đến Công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đầu thú.

Ngày 23.2.2004, Lan cùng chồng là anh Vũ Văn Công (sinh năm 1968) đào giếng trong vườn nhà. Chồng đào đất dưới giếng đổ vào xô nhựa cho vợ kéo lên. Đến 11h30, giếng sâu được hơn 3m. Vừa đói vừa mệt, hai vợ chồng bắt đầu quay ra chửi nhau. Bực mình sẵn, anh Công tuyên bố sẽ không cho Lan và các con đi dự đám cưới con chị gái Lan vì anh không được mời.

Chửi nhau một hồi bằng đủ lời lẽ thô tục, anh Công bảo: “Tao chẳng cần nội ngoại, chết cũng chỉ một lần, chết chồng này lấy chồng khác, chết vợ này lấy vợ khác...”. Đang kéo dở xô đất, nghe chồng xì một câu như thế, Lan điên tiết thả ngay chiếc xô nặng xuống đầu chồng. Bị đau, anh Công kêu ầm lên: “Trời ơi, cứu tôi với!”. Lan gào lên: “Thích chết thì tao cho chết!”.

Sau 9 năm lẩn trốn, đầu tháng 10, Nguyễn Thị Lan đã ra đầu thú.
Sau 9 năm lẩn trốn, đầu tháng 10.2013, Nguyễn Thị Lan đã ra đầu thú.

Lan chạy đến đống đất đá gần đó bê từng hòn đá to ném liên tiếp xuống đầu chồng. Chồng chảy máu đầm đìa, ngất đi, người đàn bà đang trong cơn điên giận vẫn không ngừng tay, tiếp tục vác cả xẻng lẫn cành cây ném tới tấp xuống giếng. Gần 20 phút sau, anh Công tỉnh dậy, van xin vợ cho leo lên, nhưng người vợ nhẫn tâm vớ ngay con dao phát đứng trên miệng giếng quát: “Cứ ở dưới ấy!”.

Anh Công túm được sợi dây thừng dùng để buộc xô kéo đất (đầu kia buộc vào gốc cây xoài) leo lên. Khi chồng vừa bám được vào thành giếng thì Lan lại dùng dao chém một nhát làm anh này rơi luôn xuống giếng.

Chưa hả giận, Lan còn chém đứt dây thừng để anh Công hết chỗ bám. Anh Công ngất đi một lúc, vừa tỉnh dậy thì may có người hàng xóm là chị Nguyễn Thị Hải mang bánh sang cho con Lan. Thấy vợ đuổi chị Hải về, anh Công vội vàng kêu cứu ầm ĩ rồi dùng luôn chiếc xà beng và cành nhãn mà Lan vừa ném xuống bắt chéo qua thành giếng tìm cách trèo lên.

Anh Công vớ được phần lưỡi con dao phát Lan đang cầm trong tay. Hai người giằng co nhau, chị Hải vội đến can ngăn, cầm vào giữa con dao và gỡ tay Lan ra, kéo được anh Công lên khỏi giếng. Thấy mọi người kéo đến đưa chồng đi cấp cứu, Lan bỏ chạy. Giám định pháp y cho kết quả anh Công bị đa vết thương phần mềm vùng đầu, đứt gân ngón tay, tỉ lệ thương tật 15%.

Không thể tiếp tục chung sống dưới một mái nhà, vợ chồng Lan - Công ly thân rồi nhanh chóng ra tòa ly hôn, hai đứa con cũng chia hai ngả. Ngày 18.8.2004, TAND tỉnh Lào Cai phạt Nguyễn Thị Lan 6 năm tù giam về tội "Giết người". Chỉ 3 ngày sau khi tòa tuyên án, anh Vũ Văn Công đã có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt cho Lan. Nguyễn Thị Lan cũng gửi đơn xin giảm án, nhưng tự biết tội mình không thể nhẹ hơn, lợi dụng việc được tại ngoại Lan bỏ trốn.

Công an huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã ra lệnh truy nã Lan. Khi vào cuộc truy lùng, công an mới phát hiện nhiều chi tiết trong lý lịch Lan không rõ ràng nên việc truy tìm không có kết quả. Nửa năm sau, ngày 27.4.2005, TAND Tối cao mở phiên xét xử sơ thẩm vắng mặt bị cáo, vẫn tuyên phạt Nguyễn Thị Lan 6 năm tù giam về tội "Giết người". Cũng từ đây, Lan biến mất.

Ngày 14.8, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lào Cai đã lập chuyên án truy bắt. Nhiệm vụ này được giao cho trung tá Đỗ Mạnh Tiến - Đội trưởng Đội 1, một “chuyên gia” truy bắt những tên tội phạm trốn sâu, trốn kỹ.

Cầm danh sách gần 100 cái tên đang bị truy nã, mỗi người chỉ có vỏn vẹn một dòng tên tuổi, địa chỉ, tội danh, tên lệnh truy nã, trung tá Tiến lên đường. Cùng với đồng đội, anh đã đến tất cả địa bàn Lan có thể lui tới như Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Bắc Giang...

Cuối cùng, công an đã xác định được Nguyễn Thị Lan đang sinh sống cùng chồng con mới tại tỉnh Bắc Giang, đã đổi tên thành Hoàng Thị Lan, có đầy đủ chứng minh thư, thậm chí còn đăng ký hộ khẩu đàng hoàng tại thôn Thượng, xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang từ năm 2010. Thế nhưng, khi đến huyện Yên Dũng thì gia đình Lan đã chuyển đi đâu không rõ.

Trung tá Tiến tìm tới nhà cũ của Nguyễn Thị Lan ở phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Lúc này bố Lan đã mất, chỉ còn người mẹ già. Bà Nguyễn Thị Huy (mẹ Lan) một mực nói không biết tung tích con. Biết không thể thuyết phục được gia đình, lần theo dòng địa chỉ quê quán, anh Tiến lại tìm về xã Vân Du, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Truy tìm thông tin ở tất cả các đầu mối, công an vẫn chưa tìm ra được Nguyễn Thị Lan.

Ít lâu sau, một người dân cho biết có người làm nghề chạy xe ôm tên Chương, vợ tên Lan, quê Bắc Giang, ở đối diện đền Côn Sơn - Kiếp Bạc. Linh cảm nghề nghiệp nhắc anh Tiến đây chính là người cần tìm. Cầm trong tay số điện thoại của người lái xe ôm tên Chương, anh Tiến ngược lên Bắc Giang. Qua rà soát, anh phát hiện một tân binh vừa nhập ngũ có mẹ tên Hoàng Thị Lan, ở thôn Thượng, xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Với người đàn bà “kinh nghiệm đầy mình” suốt 9 năm lẩn trốn, gia đình chồng Lan lại có khá nhiều mối quan hệ tại địa phương thì việc bắt giữ Lan không hề dễ. Cuối cùng, tổ công tác đã chọn phương án vận động ra đầu thú.

Biết đã hết đường trốn chạy, 9h sáng 6.10, Nguyễn Thị Lan đã đến Công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đầu thú và được di lý về tỉnh Lào Cai thụ án. Khai nhận về quá trình trốn nã của mình, Lan bảo, hơn 3.000 ngày đào tẩu là chừng ấy ngày cô ta sống trong sợ hãi. Biết không thể thoát tù, lợi dụng lúc được tại ngoại chờ xét xử, Lan bỏ trốn.

Mang theo đứa con gái 13 tuổi, Lan trốn sang Lạng Sơn và 10 ngày sau đã lấy chồng mới. Người chồng thứ hai kém Lan 2 tuổi, khá cao to, đẹp trai. Nhưng anh này từng nhiều lần đi tù, vợ chết và có 3 đứa con riêng. Sống với người chồng mới tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Lan lấy luôn tên Hoàng Thị Lan (tên người vợ cũ của chồng).

Sống ở vùng heo hút nơi biên giới vẫn không yên tâm nên Lan kéo chồng về Bắc Giang. Năm 2006, Lan sinh thêm một đứa con, nhưng cũng từ đó, nỗi lo sợ bị bắt bất cứ lúc nào luôn thường trực trong lòng cô ta. Vì vậy, dù đã đàng hoàng đăng ký hộ khẩu tại Bắc Giang, nhưng Lan vẫn lo lắng, liên tục đưa cả nhà di chuyển, khi thì Lạng Sơn, lúc Bắc Giang, lúc lại Quảng Ninh. Đi làm kiếm sống cũng thế, cả vợ chồng Lan đều liên tục thay đổi chỗ làm, mỗi nơi chỉ vài tháng rồi chuyển chỗ khác.