Dân Việt

Em tên là Nó- kia- à

12/03/2012 20:17 GMT+7
(Dân Việt) - Rất nhiều câu khẩu hiệu "giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc" được giăng mắc khắp buôn làng nhưng có lẽ người ta không biết rằng, đặt tên con theo kiểu... bắt chước ngôi sao Hàn Quốc là một cách "phá" đi bản sắc văn hóa vậy.

Cách đây mấy năm, trong lúc đi điều tra dân số tại xã A Tiêng huyện vùng cao Tây Giang tỉnh Quảng Nam, nơi có đa số đồng bào Cơ Tu sinh sống, cán bộ dân số của tỉnh này đã tá hỏa khi đọc trong giấy khai sinh của các cháu là con em đồng bào ở đây mang những cái tên lạ hoắc với dân tộc mình nhưng lại rất "quen tai" trên màn hình mỗi tối: Phơloong San Diu, Riah Thị Su U, Briu Thị Hy Su, Pơloong San Ốc, Pơloong Hiên U... Đây là tên của những diễn viên Hàn Quốc trong các bộ phim nổi tiếng của xứ Kim chi!

Những tưởng câu chuyện "phá tan bản sắc văn hóa dân tộc" trên đây chỉ xảy ra một lần duy nhất ở huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam thì mới đây, ở Đăk Đoa, Gia Lai, rồi ở Sơn Tây, một huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi cũng "té ngửa" khi đọc trong sổ đầu bài của các trường tiểu học những cái tên vừa quen vừa lạ: Kinh Ka Ki Wel, Đinh Un Zun Zờ, đặc biệt có những làng người Ca Dong, con cái của họ đều lấy tên các hãng điện tử nổi tiếng trên thế giới như Sam Sung, Motorola, Nokia…

Nhiều cô giáo hẳn đã phải "kiềm chế" để khỏi bật cười thành tiếng khi nghe các em người Ca Dong phát âm tiếng Kinh chưa chuẩn nhưng lại mang những cái tên kỳ lạ như thế.

Sự xuất hiện của mạng lưới điện quốc gia cùng với các phương tiện nghe nhìn lên tận hang cùng ngõ hẻm của vùng cao trong thời gian qua vừa mang lại chút ít giá trị tinh thần cho đồng bào thiểu số ở những nơi ấy nhưng đồng thời nó cũng làm biến dạng nhiều giá trị văn hóa cứ ngỡ bất biến, từng tồn tại hàng ngàn đời với bà con. Bây giờ lên vùng cao tham gia các lễ hội với đồng bào, rất ít khi nghe tiếng chiêng tiếng cồng mà chỉ nghe rất nhiều nhạc pop, nhạc roc với nhiều chất giọng ngô nghê của đám thanh niên học đòi. Các nhạc cụ dân tộc của bà con ngày càng thưa vắng nhưng loại nhạc hip hop đinh tai điếc óc thì tràn lan khắp các bản làng.

Trở lại với chuyện mượn tên nước ngoài để đặt tên con trên đây. Đúng ra thì việc đặt tên con ra sao thì tùy cha mẹ, thế nhưng tên là Nó Kia À như trên thì rất khó chấp nhận. Nó vừa thể hiện sự vô trách nhiệm với con cái, lại vừa thiếu ý thức về bản sắc của dân tộc mình. Hàng nghìn tên cây, tên hoa đã song hành với đồng bào, hẳn là không thiếu để đặt tên cho con mình như tên loài cây, loài hoa ấy. Thế thì tại sao không đặt tên con như ông bà mình từng đặt?