Làm “sống lại” ca kịch Huế
Bố mẹ là những nghệ sĩ ca kịch Huế “gạo cội”, nên từ nhỏ ca kịch Huế đã ngấm vào máu thịt NSƯT Nguyễn Ngọc Bình. 14 tuổi, đang học lớp 9, cậu bé Nguyễn Ngọc Bình đã trốn nhà đi biểu diễn ở chiến trường Quảng Trị cùng Đoàn ca kịch Bình -Trị- Thiên. Năm 1989, khi chia tỉnh, ông về lại Huế làm lãnh đạo Đoàn ca kịch Huế, rồi lên chức Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế khi đoàn phát triển thành nhà hát.
NSƯT Nguyễn Ngọc Bình vào vai Bác Hồ trong vở ca kịch Huế “Hồ Chí Minh- hồi ức màu đỏ”. |
NSƯT Nguyễn Ngọc Bình kể, thời kỳ 1989- 1995 là thời kỳ lụi tàn của ca kịch Huế. Đời sống khó khăn nên nghệ sĩ của đoàn phải làm thêm các nghề phụ như bán kem, vé số để kiếm sống. Rồi hàng loạt nghệ sĩ tài năng lần lượt bỏ việc để mưu sinh bằng nghề khác, kể cả người vợ của ông - NSƯT Tiểu Hoa. Vì vậy, từ chỗ hơn 100 diễn viên, nghệ sĩ, số người của đoàn giảm xuống còn gần 30 người.
Cảnh đoàn ca kịch Huế có nguy cơ tan rã khiến NSƯT Nguyễn Ngọc Bình lo đến mất ăn mất ngủ. Trong thời điểm khó khăn đó, ông quyết định đi học ở Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội để học cách bảo tồn nghệ thuật ca kịch Huế. Học về, ngoài đầu tư phát triển nghệ thuật ca kịch Huế, ông tạo thêm thu nhập cho nghệ sĩ bằng cách đưa đoàn đi biểu diễn thêm ca Huế, múa dân gian phục vụ du khách, lễ hội.
Khi đời sống các nghệ sĩ trong đoàn đi vào ổn định, ông vận động các nghệ sĩ đã bỏ nghề về lại đoàn. Các nghệ sĩ tên tuổi như Kiều Anh, Tiểu Hoa, Minh Tiến, Đăng Ninh, Quang Huy… trước đây bỏ nghề đã về lại đoàn chung sức bảo tồn và phát triển ca kịch Huế. Ông còn tham gia đào tạo nghệ sĩ ca kịch Huế để không ngừng tăng cường lực lượng cho đoàn. Sự cống hiến hết mình của ông đã đưa ca kịch Huế từ chỗ mai một phát triển rực rỡ.
Nhiệt huyết với nghề
Sau 40 năm gắn bó với nghệ thuật ca kịch Huế, NSƯT Nguyễn Ngọc Bình đã đạt hàng trăm giải thưởng về vai diễn lẫn vở diễn. Về vai diễn, có thể kể đến hàng loạt giải thưởng như các HCV giành cho các vai Tà Lừng trong vở “Oan nghiệt” (1985), vai Đức trong vở “Lời trăng trối” (1990), vai Bác Hồ trong vở “Hồ Chí Minh- hồi ức màu đỏ” (2010)…
Về vở diễn là các HCV vở “Tổ quốc ngai vàng” (1990), vở kịch thơ “Hàn Mặc Tử” (1996), vở “Điều không thể mất” (2001)… Đặc biệt, ở vở “Hồ Chí Minh- hồi ức màu đỏ”, ngoài HCV giành cho vai diễn, ông còn giành HCV cho đạo diễn và gần 30 giải thưởng danh giá khác. “Giải thưởng thì nhiều không đếm xuể, nhưng điều tôi hạnh phúc nhất ca kịch Huế đã hồi sinh từ chỗ lụi tàn, không chỉ được cả nước biết đến mà đang phát triển ra thế giới”- NSƯT Nguyễn Ngọc Bình tâm sự.
NSƯT Nguyễn Ngọc Bình
Ông chia sẻ rằng, việc ông gắn bó với nghệ thuật ca kịch Huế như là cái số thiên định. Nghiệp cầm ca gian khổ nhưng niềm đam mê đã giúp ông gắn bó với nó như máu thịt, không thể dứt ra được. Sự đam mê của ông còn được “tiếp lửa” bởi NSƯT Tiểu Hoa- người bạn đời, bạn nghề. Ngoài cùng chồng “thắp lửa” ca kịch Huế, NSƯT Tiểu Hoa đã gánh vác toàn bộ việc nhà để ông giành trọn thời gian cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Ông bảo, với nghệ thuật ca kịch Huế cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, tài năng rất cần nhưng cái cần hơn là lòng nhiệt huyết với nghề, với xã hội, con người. Ông thường nói với học trò là ông thành công không phải bởi tài năng mà bởi sự đam mê, sự đau đáu với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. “Bây giờ nếu được chọn lại nghề nghiệp tôi vẫn sẽ gắn bó với ca kịch Huế”- ông bộc bạch.
An Sơn