Cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” do Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học Nghệ thuật – Đài Tiếng nói Việt Nam đồng tổ chức đã triển khai được sáu tháng. Quãng thời gian này chưa phải là quá dài cho một hành trình hai năm, nhưng cũng đủ để nhìn nhận lại một chặng đường.
Với con số ấn tượng như hơn 200 truyện dự thi, các tác giả tham dự trải khắp các vùng miền từ Lào Cai, Hà Nội, Gia Lai, Đắc Lắc, Vĩnh Long, Cần Thơ…, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng đây là thành công bước đầu của cuộc thi: “Tờ báo của chúng ta ngay từ khởi động đã thu hút được những cây bút xuất sắc của văn học đương đại như anh Nguyễn Văn Thọ, anh Nguyễn Hiếu, anh Hoàng Minh Tường, anh Trần Chiến, anh Trần Thanh Cảnh. Có thể nói tôi rất tin cuộc thi của chúng ta sẽ rất thành công. Nhưng thường những tác phẩm đặc sắc nhất sẽ xuất hiện trong những giây phút cuối cùng. Bao giờ cũng thế. Kinh nghiệm cho hay là như vậy. Chúng ta mới đi được sáu tháng thôi. Còn nhiều thời gian nữa.”
Cùng với Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt, Ban Văn học Nghệ thuật – Đài Tiếng nói Việt Nam đã đóng vai trò tích cực trong việc quảng bá cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập”. Trong sáu tháng hợp tác (tính từ tháng 7/2019 đến tháng 12 cùng năm), Ban Văn học Nghệ thuật đã phát sóng gần 20 truyện ngắn và đăng tải trên trang điện tử vov6.vov.vn. Nhìn chung, các tác phẩm tham dự cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” khi được phát trên làn sóng phát thanh đều đã nhận được phản hồi tích cực của thính giả. Các tác phẩm như “Nghề làng” của nhà văn Nguyễn Trọng Văn, “Thằng T đã về chưa?” của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, “Ông ngoại” của nhà văn Trần Thanh Cảnh… liên tiếp xuất hiện ở mục Nghe và Phản hồi nhiều của trang điện tử.
Các nhà văn, nhà thơ cũng hi vọng trong thời gian tới, khâu quảng bá cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập” tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trên sóng phát thanh của Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà thơ Lương Ngọc An tiếp tục đưa ra những sáng kiến để cuộc thi đến được với người viết và người đọc nhiều hơn nữa: "Đúng là ngoài chuyện quảng bá cụ thể về cuộc thi thì khi kết thúc, ta nên có tặng thưởng gì đó cho các tác phẩm được bạn đọc đọc nhiều nhất trên mạng. Có thể tập hợp cả Báo điện tử của Nông thôn Ngày nay, cả Báo Văn nghệ, tức là những cơ quan chúng ta đã đưa các tác phẩm này lên".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: "Ba tháng chúng ta lại làm một bàn tròn, mà trước tiên là ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi sẵn sàng cùng tham gia với các anh các chị ở đấy, mời các nhà phê bình, các nhà văn có tên tuổi. Chúng ta bàn về cuộc thi này và quảng bá luôn. Sau đó ta văn bản hóa chương trình âm thanh ấy và công bố tiếp lên Báo Văn nghệ".
Số lượng và độ “phủ sóng” của cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập”, tính tới thời điểm hiện tại, là không thể phủ nhận. Tuy vậy, ở góc độ của một Ban Giám khảo kĩ tính như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: "Qua những truyện gửi đến cũng như qua các truyện chọn đăng, có thể thấy phần lớn nghiêng về sơ đồ tiếc nuối cái cũ và hoang mang với đô thị hóa, hiện đại hóa hiện nay. Mô típ đó là lặp lại nhiều. Do đó cũng hình thành một kiểu nhân vật bỏ làng đi nhưng lại thất bại ở thành phố, thành thị lại trở về. Mô típ sự xâm thực của những mặt trái của đời sống đô thị như karaoke, như quán xá, hút sách… tràn về nông thôn thì có rất nhiều truyện. Truyện mà nhuần nhị, nói được cái mới, cái tích cực của nông thôn thì chưa nhiều. Đó là về mặt nội dung. Về mặt dựng truyện thì cũng khá nhiều truyện đơn giản".
Ở vai trò của một “siêu độc giả” như nhà văn Nguyễn Văn Thọ, các tác phẩm dự thi còn thiếu những đường nét sắc sảo, góc cạnh khiến cả diện mạo nông thôn mới lẫn người viết vẫn còn mờ nhòe "Nhìn qua cuộc thi này, tôi thấy hầu hết các tác phẩm rơi vào một mô típ luyến tiếc. Đấy là một nhược điểm. Thứ hai, kể cả các nhà văn có tên tuổi thì về bút pháp, gương mặt góc cạnh cũng chưa rõ".
Không ngạc nhiên khi nhà văn Hoàng Minh Tường cho rằng với đề tài nông thôn, người viết vẫn còn “mon men theo dòng chảy của thời đại”, vẫn còn “né tránh e sợ” nhiều vấn đề gây tranh cãi khiến trang văn vẫn “còn nhợt nhạt với cuộc đời”. Tuy vậy, từ thực tế bề bộn tới trang viết là một hành trình gian khó. Nhà văn Trần Thanh Cảnh, người dành nhiều tâm huyết để viết về quê hương Kinh Bắc, cùng thừa nhận “Kinh Bắc ngày xưa đã không còn”, và đâu dễ gì để viết về nông thôn trong công cuộc hiện đại hóa: “Nông thôn bây giờ đang chuyển biến dữ dội, mà con đường chuyển biến nông thôn từ nông nghiệp cho đến văn hóa xã hội đương nhiên phải đi theo một con đường là hiện đại hóa, đô thị hóa. Xã hội nông thôn ở làng quê Bắc Ninh bây giờ cũng biến động rất dữ dội. Không còn bất cứ làng nào gọi là làng Kinh Bắc như trong truyện tôi đã mô tả nữa”.
“Làng Việt thời hội nhập” – ngay nhan đề của cuộc thi đã gợi lên nhiều câu chuyện về thân phận con người, sự thay da đổi thịt của làng quê, sự biến mất của nhiều khung cảnh, tập tục cũ… Sáu tháng đãi cát tìm vàng, cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập” đã ít nhiều đem đến một sự khởi sắc cho văn học viết về đề tài nông thôn. Chặng đường phía trước, chúng ta cùng chờ đợi những cú bứt phá cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện.