Hội nghị do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đăng cai tổ chức dưới sự tài trợ của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO). Hơn 70 đại biểu đến từ các tổ chức ND khu vực châu Á-Thái Bình Dương tham dự.
Các đại biểu thảo luận tại phiên toàn thể để đưa ra những khuyến nghị về phát triển nông nghiệp bền vững. |
Áp lực từ phát triển
Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, nông nghiệp và sinh kế của nông dân (ND) khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải chịu nhiều áp lực từ phát triển, trong đó dễ nhận thấy là áp lực về đầu tư và gia tăng dân số. Nếu như áp lực về đầu tư công nghiệp, đô thị khiến đất nông nghiệp tại nhiều quốc gia đang bị thu hẹp thì sự gia tăng dân số lại góp phần làm tăng giá lương thực, thực phẩm, ảnh hưởng đến cộng đồng nghèo, trong đó có ND.
Ông A.Lam Khan, đến từ Tổ chức Action - aid cho rằng: “Châu Á-Thái Bình Dương đi đầu trong phát triển nông nghiệp với sản lượng lương thực lớn nhất thế giới, nhưng lượng phát thải khí nhà kính và số người đói nghèo cũng lớn nhất thế giới (khoảng 568 triệu người đói nghèo, phần nhiều là ND). Rõ ràng, ND đang bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương nhất bởi các áp lực về phát triển, làm ra lương thực mà lại chịu cảnh đói nghèo”.
Một hiện trạng đáng báo động khẩn cấp hiện nay ở khu vực là sản xuất nông nghiệp sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón hoá học. Hậu quả không chỉ là ở sản phẩm nông nghiệp thiếu an toàn, sức khoẻ ND bị ảnh hưởng mà còn khiến 1,5 tỷ ha đất sản xuất suy kiệt, trong đó 74% diện tích đất nông nghiệp đang bị thoái hoá, 40% diện tích mất chất màu... Nhiều đại biểu đã chỉ ra rằng, lợi nhuận của ND rất nhỏ trong chuỗi cung nông sản hiện nay.
“ND là người sản xuất ra nông sản, nhưng các yếu tố đầu vào như vật tư, phân bón, giống và yếu tố đầu ra là thị trường lại đang bị chi phối và lũng đoạn bởi các công ty, tập đoàn đa quốc gia... Thị trường nông sản quốc tế đang bị tài chính hoá với các hoạt động đầu cơ khiến giá nông sản tăng gấp đôi, nhưng phần lợi của người ND tăng không tương xứng” - ông F.Paseuac, đại diện APNF - một tổ chức ND của Philippines phân tích.
Cần có sự tham gia của ND
Một số kinh nghiệm, cách tổ chức để xây dựng nền nông nghiệp bền vững được nhiều đại biểu chia sẻ. Bà E.A.Grurada - đại diện mạng lưới chủ quyền lương thực của ND tại Philippines cho hay: “Chúng tôi khuyến khích đa dạng hoá các giống cây trồng, ưu tiên các giống bản địa thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ, hướng dẫn ND 49 tỉnh tự nghiên cứu sản xuất giống và lập ngân hàng trao đổi giống.
Cùng với việc tập huấn kỹ năng đàm phán thương mại, chúng tôi đang hướng các tổ chức ND từ sản xuất sang kinh doanh để hưởng lợi nhiều hơn trong chuỗi cung lương thực, thực phẩm. Cam kết đất nông nghiệp khó bị mất một cách không hợp lý từ phía Chính phủ và việc ra đời luật về nông nghiệp hữu cơ có sự tham gia đáng kể của các tổ chức ND”.
Tại Thái Lan, các tổ chức ND, trong đó có Hiệp hội ND khai thác và nuôi trồng thuỷ sản ngày càng có tiếng nói quan trọng trong xây dựng và hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp bền vững.
Bà R.P.Charavensuk - đại diện Hiệp hội cho biết: “Trong xây dựng và hoạch định chính sách nông nghiệp, nếu như trước kia Thái Lan đi từ trên xuống thì nay đi từ dưới lên - đó là lấy ý kiến đóng góp từ chính ND, ngư dân. Bởi chỉ ND mới biết họ cần gì, mong muốn gì. Tất nhiên, yêu cầu và mong muốn của ND luôn dựa trên thực tiễn sản xuất kết hợp với thành tựu nghiên cứu của giới khoa học. Nhờ có sự tham gia của ND nên Thái Lan ra luật về thuỷ sản và luật về quản lý tài nguyên duyên hải tại 23 tỉnh. Chính sách phát triển nông nghiệp bền vững chỉ thành công khi có sự tham gia của ND”.
Bà S.V.Rengam
- đại diện Tổ chức IPC
Các đại biểu đến từ các tổ chức ND khu vực rất quan tâm tới tham luận của 2 đại diện chủ nhà Việt Nam: Tham luận của bà Vũ Lê Y Voan (T.Ư Hội NDVN) về Phát triển nông nghiệp hữu cơ và của ông Phạm Văn Thành (Chủ tịch mạng An ninh lương thực và giảm nghèo VN) về An ninh lương thực hộ gia đình dựa vào nông nghiệp bền vững và sản xuất ở quy mô hộ gia đình.
Qua thảo luận riêng tại các tổ và đi đến thống nhất chung tại diễn đàn, hội nghị đã đưa ra nhiều khuyến nghị, như hạn chế việc mất đất nông nghiệp; kiểm soát sự chi phối của các công ty, tập đoàn đa quốc gia tại thị trường vật tư và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua các hiệp ước, khung hợp tác giữa các quốc gia và khu vực; chuyển trợ cấp sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hoá học sang cho các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững. Những khuyến nghị này được đưa ra Hội nghị khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 31 của FAO do Bộ NNPTNT và Bộ Ngoại giao VN đăng cai tổ chức, khai mạc ngày 12.3 tại Hà Nội.
Phương Đông