Dân Việt

Chứng khoán “đỏ lửa” vì Covid-19, Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng gửi thông điệp đến nhà đầu tư

PV 13/03/2020 15:20 GMT+7
Thị trường chứng khoán tiếp tục chuỗi giảm điểm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng đã gửi thông điệp đến nhà đầu tư và doanh nghiệp về những chính sách hỗ trợ thị trường như xử lý nhu cầu mua cổ phiếu quỹ cũng như dịch vụ biểu quyết điện tử phục vụ doanh nghiệp tổ chức ĐHĐCĐ.

Trước diễn biến phức tạp và tác động khó lượng của dịch Covid-19 trên toàn cầu, thị trường chứng khoán thế giới đang chứng kiến cơn dư chấn rất mạnh. Nhiều thị trường chứng khoán thế giới đã ghi nhận mức giảm điểm mạnh nhất trong nhiều năm nay, sau khi WHO công bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Có cơ sở để gia tăng niềm tin với TTCK

Trong phiên giao dịch đêm qua, chứng khoán Mỹ "đỏ lửa" với mức giảm lên tới 10%, mức tồi tệ nhất kể từ lập sụp đổ năm 1987.

Sau khi chứng kiến phố Wall có phiên giao dịch tồi tệ nhất 33 năm, thị trường châu Á ngay lập tức chứng kiến đợt bán tháo ồ ạt. Cổ phiếu của những thị trường lớn đua nhau "rơi tự do" trong phiên giao dịch sáng nay 13/3. Thậm chí như tại Thái Lan, toàn bộ giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan phải tạm ngừng vì chỉ số SET Composite Index giảm đến ngưỡng "ngắt mạch" 10%. Tương tự, chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ giảm chạm ngưỡng 10% và cũng phải tạm ngừng giao dịch giống như thị trường Thái Lan.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 sụt hơn 8%, đầu phiên sáng có lúc chỉ số này mất 10%. Chỉ số Topix cũng lao dốc 7,2%.

thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ và đã sụt giảm mạnh bởi các nguyên nhân tương tự toàn cầu: dịch bệnh Covid-19 lan rộng, giá dầu xuyên thủng nhiều dự đoán, kinh tế và thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo ...

img

Thị trường chứng khoán Việt Nam chốt phiên sáng 13/3

Tính từ cuối tuần trước đến kết thúc phiên trưa ngày 13/3, chỉ số VN-Index đã giảm khoảng hơn 150 điểm, mức giảm kỷ lục trên một tuần trong nhiều năm gần đây.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực, VN-Index giảm mạnh hơn thị trường Trung Quốc nhưng hoạt động bán tháo không xảy ra. Hiện tại, vẫn có dòng tiền chực chờ bắt đáy.

Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, rủi ro là hiện hữu và cũng khó có dự báo nào tự tin để khẳng định chắc chắn thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam sẽ bật tăng trở lại. Bởi thực tế vẫn cho thấy, hiện tâm lý của nhà đầu tư vẫn chưa thật sự ổn định và áp lực bán giải chấp đã có gia tăng hơn. Vì vậy, trong giai đoạn này, có lẽ điều mà cơ quan quan lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư mong muốn là thị trường sẽ sớm trở lại quỹ đạo ổn định.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã cho thấy quyết tâm lớn nhất trong việc kiểm soát dịch Covid-19. Sau sự hoang mang khi bệnh nhân số 17 được phát hiện, thì đến nay, tâm lý có phần được trấn tĩnh lại dù con số bệnh nhân dương tính vẫn tăng.

Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã trực tiếp gặp mặt các "đại doanh nghiệp" để cùng nhau vượt khó, tìm giải pháp để bước qua giai đoạn khó khăn vì đại dịch. Trong số các doanh nghiệp mà Thủ tướng gặp mặt, thì phần nhiều trong họ là các ông chủ đang có ảnh hưởng lớn trên thị trường chứng khoán và họ đều cho thấy sự tâm huyết sẽ cùng cổ đông đưa doanh nghiệp của mình vượt khó.

Về phía các bộ, ngành, Bộ Tài chính cũng đang nỗ lực để sớm cho giải pháp nhằm miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước, chiều ngày 12/3 cũng đã thông tin chính thức về việc ban hành Thông tư số 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. 

Trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại đã có hành động thực tế để giảm, gia hạn, tái cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19.

Trên thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York cũng có thông báo sẽ chi 1.500 tỷ USD để mua các tài sản tài chính, trong nỗ lực lớn nhằm bơm tiền vào thị trường trái phiếu giữa lúc thị trường Phố Wall đang "hoảng loạn" do tác động của Covid-19. Điều này kỳ vọng sẽ giúp TTCK Mỹ sẽ sớm "bình yên" trở lại.

Hồ sơ sẽ xử lý chỉ trong 1 ngày khi doanh nghiệp muốn mua cổ phiếu quỹ

Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang rất quan tâm tới diễn biến của thị trường chứng khoán. Do vậy, trong giai đoạn này, Chính phủ, Bộ Tài chính và UBCKNN, cùng các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, … sẽ nỗ lực cao nhất để có giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Theo ông Dũng, hiện có một số điều chỉnh về mặt chính sách mang tính dài hơi đã, sẽ được UBCKNN đề xuất và kỳ vọng sẽ có thay đổi theo chiều hướng tích cực trong thời gian tới. Tuy nhiên, những gì trong khả năng thẩm quyền UBCKNN sẽ triển khai quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư.

img

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng am kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tối đa

Về thủ tục hành chính, Chủ tịch UBCKNN thông tin, lãnh đạo UBCKNN đã quán triệt với các đơn vị chuyên môn rằng, thay vì xử lý hồ sơ trong khoảng thời gian quy định của pháp luật, thì phải đẩy nhanh tốc độ xử lý lên mức cao nhất để cùng đồng hành với doanh nghiệp trong bối cảnh đang chịu tác động rất lớn từ dịch bệnh như hiện nay.

"Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không kiểm soát chặt chẽ hồ sơ. Tuy nhiên, về mặt quyết tâm là sẽ hỗ trợ cao nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp và thị trường. Theo đó, tùy theo từng trường hơp sẽ có những hồ sơ được xử lý trong ngày, thậm chí là sớm hơn, hoặc sẽ có sự kết nối trực tiếp với với doanh nghiệp để cùng hoàn thiện, hướng tới việc đáp ứng nhanh nhất nhu cầu mà doanh nghiệp cần" – ông Trần Văn Dũng nói.

Hiện nay, trước bối cảnh chung, nhiều cổ phiếu đã giảm giá rất sâu, nên nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hoặc người có liên quan đang có nhu cầu mua vào cổ phiếu hoặc gia tăng nắm giữ cổ phiếu phiếu quỹ.

"Chúng tôi hiểu việc gia tăng mua vào cổ phiếu quỹ là nhu cầu cần thiết của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp có nhu cầu mua cổ phiếu quỹ cần làm đúng hồ sơ pháp lý theo Thông tư 162/2015/TT-BTC. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tối đa, hoàn tất thủ tục chấp thuận cho doanh nghiệp trong vòng 1 ngày", ông Trần Văn Dũng nhấn mạnh.

Người đứng đầu UBCKNN cũng cho biết thêm, trước bối cảnh dịch Covid -19 đang có diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam, một trong các khuyến nghị để phòng ngừa lây lan và kiểm soát dịch bệnh do Bộ Y tế khuyến cáo là hạn chế việc tụ tập đông người ở những không gian kín như phòng họp, hội nghị.

Tuy nhiên, thời điểm tháng 3 và tháng 4 tới đây cũng là thời điểm mà các công ty đại chúng/quỹ đầu tư chứng khoán phải thực hiện họp đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) theo quy định tại Điều 136 Luật Doanh nghiệp. Trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp, cũng như yêu cầu của việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và khả năng triển khai ứng dụng công nghệ vào quản lý và điều hành thị trường, UBCKNN cũng đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm triển khai ngay dịch vụ biểu quyết điện tử (E-Voting) phục vụ ĐHĐCĐ của các công ty đại chúng/quỹ đầu tư chứng khoán thay thế cho việc biểu quyết trực tiếp tại ĐHĐCĐ truyền thống.

Theo ông Dũng, điều này hy vọng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên sàn tổ chức thành công đại hội cổ đông, đồng thời cũng sẽ giúp cho các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nước ngoài tại các vùng chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 có khả năng tham gia và thể hiện quyền lợi của mình thông qua là phiếu điện tử.