Dân Việt

Đau đáu nhìn rừng Quốc gia Đền Hùng bị "xẻ thịt"

12/03/2012 18:57 GMT+7
Phóng viên hết sức ngỡ ngàng và xót xa khi cả nghìn m2 rừng đặc dụng đã bị triệt hạ tan hoang. Đáng lưu ý, việc phá rừng, đốn cây xảy ra ngay tại núi Nghĩa Lĩnh - nơi có mộ tổ Vua Hùng linh thiêng.

“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Khu di tích lịch sử Đền Hùng (xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) từ lâu đã trở thành vùng đất thiêng liêng gắn liền với truyền thuyết, lịch sử cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy mà Đền Hùng được Nhà nước xếp vào loại di tích đặc biệt quan trọng cấp Quốc gia.

Các nhà khoa học vọng mộ thì tôn phong Đền Hùng là “siêu di tích”. Chính bởi tầm quan trọng đó mà mấy năm vừa qua Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo khu di tích này. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ nghiêm ngặt thảm rừng đặc dụng bao phủ núi núi Hùng (hay còn gọi là núi Nghĩa Lĩnh).

img
Cây rừng bị chặt phá tại núi Nghĩa Lĩnh

Rừng Quốc gia đền Hùng có diện tích 538ha, có hệ thực vật đa dạng, nhiều loại gỗ quý có tên trong sách đỏ Việt Nam. Các loại cây gỗ quý tập trung vào khu vực 32ha bao trùm núi Hùng tạo nên bức tranh sinh thái nâng cao giá giá trị khu di tích đền Hùng.

Theo chỉ dẫn của một người dân bản địa, chẳng mấy chốc phóng viên đã leo lên tới đền Thượng, ngôi đền uy nghi này năm trọn trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, cạnh đền Thượng là mộ tổ vua Hùng linh thiêng, phía dưới là đền Trung, đền Giếng, đền Hạ…

Các ngôi đền linh thiêng này được bao phủ bởi thảm rừng đặc dụng, cây cối rậm rạp xanh mướt. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, ngay sau lưng đền Thượng, gần sát với mộ tổ vua Hùng cả một thảm rừng rộng bị ai đó “vô lương tâm” triệt hạ từ bao giờ.

Nhìn những “vết tích” để lại có thể nhận thấy việc chặt phá cây tại đây đã xảy ra cách đây 1-2 năm. Các “lâm tặc” triệt hạ cây rừng tạo thành một con đường trống huếch rộng từ 2 đến 3m từ trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh kéo dài xuống tới chân núi. Khoảng cách từ chân lên tới đỉnh núi là hơn 300m, nếu dùng phép tính đơn giản thì đã có hàng nghìn m2 rừng đặc dụng bị “xẻ thịt”.

Quyết tâm “mục sở thị” ghi hình lại việc chặt phá này, nhóm phóng viên chúng tôi đã xắn quần, bỏ giày dép bám theo cây rừng tụt xuống chân núi theo con đường các “lâm tặc” đã “dọn”. Đập vào mắt phóng viên là hàng trăm cây to có, nhỏ có bị chặt đốn còn lại trơ gốc trông đến thảm hại.

Thậm chí, có những cây nằm cản “đường làm ăn” đã bị “lâm tặc” nhổ bung cả gốc để lại những hố sâu hoắm. Câu hỏi thắc mắc của phóng viên, tại sao các “lâm tặc” sau khi phá rừng không xóa “dấu vết hiện trường” bằng cách hoàn nguyên (trồng lại cây)? Bởi không ai không biết, việc phá rừng tại núi Nghĩa Lĩnh nơi có di tích Đền Hùng linh thiêng là phạm vào tội “trời không tha, đất không dung”.

Một số người dân bản địa (xin được giấu tên) có kinh nghiệm cho biết, vì đây là rừng đặc dụng chủ yếu toàn gỗ quý hàng trăm năm tuổi nên những kẻ phá rừng có “bắc thang lên trời” cũng không tìm thấy những giống gỗ quý đó để trồng lại.

Được biết, rừng Đền Hùng được bảo vệ rất nghiêm ngặt, vậy tại sao các “lâm tặc” có thể ngang nhiên tàn phá rừng trước mặt lực lượng bảo vệ của Ban quản lý khu di tích? Dư luận có quyền đặt câu hỏi, có hay không việc “bật đền xanh” để di tích Đền Hùng bị xâm hại?

Chặt một cây… ngồi tù 2 năm

Không phải đến bây giờ người ta mới coi trọng công tác bảo vệ rừng Đền Hùng mà từ rất lâu công việc này đã được thực thi rất nghiêm minh. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà anh T.T.L (xã Hy Cương, TP Việt Trì).\ Anh L chính là người đã “ngậm đắng nuốt cay” khi phải trả giá cho sự nông nổi của tuổi trẻ. Năm 1982, khi đó anh mới 20 tuổi, trong lần dạo chơi trên rừng Đền Hùng anh đã tiện tay chặt một cây tại đây (theo a L đó là cây bạch đàn), khi vác xuống núi anh bi lực lượng bảo vệ tại Khu di tích và kiểm lâm bắt giữ.

img
 

Sau đó, anh bị truy tố và xử tù hai năm vì tội “phá rừng”. Mỗi khi nhìn vào chữ “hận” trên tay, quá khứ buồn lại ùa về. Chuyện là, từ khi ngồi tù anh đã tự xăm lên tay mình chữ “hận”. Anh tâm sự, giờ các con anh đã trưởng thành, đều là Đảng viên, anh rất buồn về câu chuyện trong quá khứ và cũng không muốn nhắc lại.

Tương tự trường hợp anh L, tại xã Hy Cương còn có S (xin được giấu tên), cũng vào thời điểm đó, do cần gỗ sửa lại ngôi nhà đã dột nát, anh S lên rừng Đền Hùng chặt một cây gỗ Nhọ nhồi, khi xuống đến chân núi thì bị bắt giữ và sau đó anh cũng bị “giam” 3 tháng trời vì tội Xâm hại di tích lịch sử.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Hùng - Phó Giám đốc Ban quản lý khu di tích Đền Hùng cho biết: Rừng Quốc gia Đền Hùng là rừng đặc dụng, lại gắn liền với di tích Đền Hùng nên phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Quy định bảo vệ rừng, bảo vệ khu di tích nêu rõ: chặt một cành cây cũng phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, cây chết, đổ do nguyên nhân khách quan như mưa bão cũng không được cưa, chặt mà phải để chết mục.

Rõ ràng, ở đây xảy ra một thực tế không công bằng đó là, có người chặt một cây bị xử tù 2 năm, còn những người chặt hàng trăm cây làm nát cả một góc rừng thiêng thì lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Đề nghị, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ thủ phạm, động cơ phạm tội và có biện pháp xử lý nghiêm minh những người coi thường pháp luật.

Theo Bảo vệ Pháp luật