Dân Việt

Quỹ bình ổn giá thuốc ở đâu?

13/12/2010 17:38 GMT+7
(Dân Việt) - Từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều công ty dược phẩm tại TPHCM đã tăng giá thuốc nhưng chưa có công ty nào bị xử lý. Nguyên nhân đang được cho là có những "lỗ hổng" trong quản lý giá.

Nội, ngoại cùng tăng…

img
Người dân phải mua thuốc với giá ngày càng cao.

Tăng giá mạnh và nhiều nhất là các mặt hàng của Công ty TNHH Dược phẩm Minh Phúc (trụ sở quận Tân Bình, TP.HCM). Bắt đầu từ ngày 1-11, công ty đã thông báo tăng giá 27 mặt hàng với mức tăng từ 11 - 54%.

Tương tự, Hãng dược Novartis điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thuốc, trong đó có loại thuốc dung dịch nhỏ mắt Genteal collyre được "đẩy giá" từ 59.900 đồng lên tới 64.000 đồng/lọ. Công ty cổ phần Dược phẩm Quảng Bình (chi nhánh TP.HCM) cũng đã có bảng giá mới cho một số loại thuốc kháng sinh như Cipro Floxacin 500mg từ 45.000 đồng lên 50.000 đồng/hộp.

Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh (quận Tân Bình, TP.HCM) cũng báo giá tăng đối với 6 mặt hàng, trong đó có 3 mặt hàng tăng giá ở mức 16-21%.

Điều đặc biệt là không chỉ thuốc nhập khẩu tăng, mà các loại thuốc có nguồn gốc Đông y cũng tăng, như Ma hạnh bạch cam thang, các loại thuốc siro, thuốc ho.

Dược sĩ Nguyễn Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Vimedimex cho biết, thuốc Đông y tăng vì thực tế nhiều hoạt chất tăng giá phi mã. Chẳng hạn, doanh nghiệp không thể sản xuất được hoạt chất rutin (chiết xuất từ hoa hòe).

Năm ngoái, hoa hòe có giá mua vào khoảng 25.000 đồng/kg thì nay đã lên 200.000 đồng/kg. Tương tự, giá nghệ vàng chiết xuất các loại thuốc bôi mặt từ 9.000 đồng/kg năm ngoái lên 100.000 đồng/kg.

Thanh tra giá thuốc: Giải quyết phần ngọn

NTNN từng có phản ánh về việc các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng giá "tát nước theo mưa" cùng với giá USD tăng. Tuy nhiên, nhiều công ty sản xuất thuốc trong nước cho rằng, tỉ giá tăng chưa hẳn là nguyên nhân quyết định mà ở đây còn có nhiều yếu tố khác chi phối, cụ thể là những hạn chế trong quản lý.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số lượng thuốc trên thị trường VN hiện có 22.000 mặt hàng với hơn 1.500 hoạt chất nên việc đưa ra giá tối đa cho từng loại thuốc là điều khó có thể làm được.

Nhà nước đã có chủ trương rót kinh phí để bình ổn giá cho nhiều mặt hàng thì cũng nên có quỹ bình ổn đối với nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước. Có như vậy sẽ hạn chế phần nào việc tăng giá thuốc.

PGS- TS Phạm Khánh Phong Lan-

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Một trình dược viên có thâm niên của một hãng dược phẩm Ấn Độ cho rằng, giá thuốc tăng cũng một phần do những khoản chi tiêu cực phí (hoa hồng, quà cáp cho bác sĩ kê toa, cho khoa dược bệnh viện...). Ngoài ra, cộng thêm vào giá thuốc còn có chi phí quảng cáo ồ ạt, tiếp thị sản phẩm, thương hiệu góp phần "đội giá" thuốc lên nhiều lần.

Điều đáng nói, trong lĩnh vực dược phẩm, Cục Quản lý dược quản lý giá tất cả các loại thuốc, trong khi rất nhiều loại thuốc không cần quản lý giá mà nên có cơ chế cạnh tranh nhau.

Ông Nguyễn Tiến Hùng cho biết: "Các nước như Úc chỉ quản lý giá 240 sản phẩm thuốc thiết yếu, ở Mỹ là 110 sản phẩm. Nếu thị trường bán thuốc 30 đồng thì nhà nước chỉ cho bán 10 đồng. Còn hiện tại, nước ta quản lý tới 22.000 sản phẩm".

Ông Hùng đề nghị xem lại danh mục thuốc quản lý cho hợp lý để bình ổn, hỗ trợ giá bởi: "Hàng năm Bộ Y tế vẫn có quỹ dự phòng, quỹ bình ổn giá, có dự trữ quốc gia. Vậy tại thời điểm này dự trữ quốc gia để đâu mà người dân phải mua thuốc giá cao?".

Chính vì vấn đề "quản" còn bùng nhùng, nên nhiều dược sĩ cho rằng, việc Bộ Y tế và các Sở Y tế địa phương tổ chức thanh tra giá thuốc chỉ là giải quyết phần ngọn.