Một thời vang bóng
Làng Lưu Xuân nằm sát thị trấn Lạt. Đất canh tác ít, người dân nơi đây thu nhập chủ yếu từ nghề mây tre đan. Nghề có từ lâu đời với các sản phẩm lẵng hoa, giỏ đựng hoa, cót, mành... Năm 2003, làng mây tre đan Lưu Xuân được chính thức công nhận là làng nghề. Lúc bấy giờ làng có hơn 90 gia đình tham gia với hơn 200 thợ đan lành nghề. Ngày trước, nguyên liệu nhập từ Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, nhưng khi đó nứa, mây còn nhiều nên giá thành rẻ, sản phẩm bán ra nhiều và giá ổn định nên cuộc sống của bà con phần nào bớt vất vả.
Thay vì làm ra mây, tre đan, giờ đây người dân Lưu Xuân đan tấm phên cho các lò gạch. |
Nắm được lợi thế của làng nghề, năm 2003 và 2007, Công ty TNHH Thái Đại Phong mở lớp dạy nghề mây tre đan xuất khẩu miễn phí cho hơn 60 học viên trong xã. Người dân làng Lưu Xuân rất phấn khởi vì các sản phẩm truyền thống của họ lâu nay chỉ bán ở địa phương nay các sản phẩm mây tre đan của Lưu Xuân đã được các nước Đông Âu đón nhận.
Niềm vui của làng nghề Lưu Xuân chưa được lâu thì các sản phẩm mây tre đan ế ẩm vì các nước Đông Âu không nhập. Sản phẩm khó tiêu thụ, trong khi đó nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, giá cao.
Bỏ nghề vì thiếu đầu ra
Ông Phạm Văn Mùi - Chi hội trưởng Hội ND xóm Lưu Xuân cho biết: "Nghề mây tre đan cần sự tỉ mỉ và lành nghề, tuy không cho thu nhập cao, nhưng với bà con trong làng thì đây là nghề có thể duy trì cuộc sống, nhưng gần đây do không bán được sản phẩm người dân dần bỏ hết nghề rồi". Từ 90 hộ tham gia làm mây tre đan, đến nay Lưu Xuân chỉ còn lại khoảng chục hộ theo nghề. Anh Phạm Ngọc Minh, chia sẻ: "Làm nghề đã lâu nhưng nay nguyên liệu thiếu, đầu ra không có nên chúng tôi đành phải bỏ nghề tìm việc khác mưu sinh".
Bà Nguyễn Thị Hoa- Chủ tịch Hội ND xã Kỳ Tân cho biết: "Làng nghề truyền thống mây tre đan ở Lưu Xuân từng là một trong những hướng phát triển kinh tế điển hình của địa phương. Mấy năm nay, làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Người dân đã bỏ hết nghề để kiếm kế mưu sinh. Năm 2010, Hội có vay tiền để hỗ trợ người dân vực lại làng nghề nhưng đầu ra không có, không thu được lợi nhuận nên kế hoạch lại thất bại".
Những năm trước, về Lưu Xuân, đâu đâu cũng thấy nứa, thấy mây... nhưng nay chỉ còn những hộ đan tấm phên phục vụ các lò làm gạch.
Theo ông Trịnh Quốc Đạt - Trưởng ban Đào tạo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi nghề, làng nghề thủ công truyền thống không chỉ có giá trị về kinh tế, mà còn là nơi lưu giữ văn hóa đặc trưng của dân tộc".
Tiến Dũng - Trịnh Thành