Dân Việt

Đề xuất xây dựng sân golf huận Thành: Cần xem xét thận trọng!

Ngọc Lê 18/03/2020 16:41 GMT+7
Theo các chuyên gia, việc đề xuất xây dựng sân golf quốc tế Thuận Thành theo đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh cần xem xét thận trọng, tính toán kỹ các phương án.
img

Vị trí xã Đình Tổ- nơi tỉnh Bắc Ninh dự kiến xây sân golf 27 lỗ.

Xét về mặt địa lý, Bắc Ninh hiện là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước với khoảng hơn 800km2 và đất đai là tài nguyên quý nhất của tỉnh Bắc Ninh, ở đâu cũng là bờ xôi, ruộng mật. Vậy mà chỉ một dự án sân golf ở huyện Thuận Thành đã chiếm mất 170ha diện tích đất thuộc loại trù phú nhất vùng này. Và tai hại hơn, dự án sân golf này lại nằm sát đê sông Đuống và ven theo bờ sông Đuống- là nơi cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng triệu người dân ở Thủ đô Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh.

Khi nghe nhắc đến dự án này, GS-TS. Vũ Trọng Hồng- nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NNPTNT) đã phải thốt lên: "Tôi chưa thấy, chưa nghe nói trên thế giới có sân golf xây dựng ngay cạnh vị trí trên sông cả. Lý do, dòng sông ở nhiều nước được coi là một thực thể như con người, không cho phép gây ô nhiễm".

Vậy cơ sở nào, UBND tỉnh đầu tiên của Bắc Ninh đề xuất "được" xây dựng sân golf ở vị trí như vậy?

Trên thực tế, Dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ do liên danh CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản HUDLand và CTCP Tư vấn và Thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư...

Vì thế, trong văn bản UBND tỉnh, có nêu: Tỉnh mong sớm nhận được ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về những nội dung có liên quan để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Dự án này xuất hiện từ cách đây 5 năm. Theo đó, tháng 7/2015, liên danh HUDLand đã đề nghị tỉnh Bắc Ninh cho khảo sát địa điểm để lập dự án xây dựng khu sân golf quốc tế tại khu đất ven sông Đuống.

Và chỉ một tháng sau đó, ông Nguyễn Tử Quỳnh- khi đó là Chủ tịch UBND đã có ngay văn bản chấp thuận về mặt chủ trương cho liên danh này nghiên cứu khảo sát khu đất thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, có diện tích 170ha để lập quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng Sân golf Quốc tế Thuận Thành, thiết kế 27 lỗ.

img

Hơn 170ha đất bờ xôi, ruộn mật sát sông Đuống đang được người dân trồng trọt, chăn nuôi sẽ bị thu hồi nếu dự án sân golf được xây dựng.

Đến khoảng tháng 2/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản đôn đốc các bên liên quan thực hiện dự án đầu tư xây dựng sân golf quốc tế tại huyện Thuận Thành. Và như đã đưa tin, mới đây UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề xuất được triển khai dự án này.

"Quan điểm của tôi là không đồng ý cho phép xây dựng sân golf ở cạnh sông Đuống. Thứ nhất sông Đuống hiện nay là nguồn cấp nước sạch cho Hà Nội và các tỉnh lân cận, do vậy không được làm công trình trên đó. Thứ hai, để nuôi dưỡng sân golf cần có diện tích làm khu phụ trợ và phải phun hàng trăm tấn thuốc diệt cỏ dại, diệt mối . Diện tích khu phụ trợ nếu vào khu dân cư nhà nước phải bỏ kinh phí để giải toả. Nếu là bãi ven sông, thì sẽ cản trở thoát lũ mà luật đê.điều không pho phép"- GS. Vũ Trọng Hồng đã bức xúc nói như trên.

Ngay sau khi thông tin về việc tỉnh Bắc Ninh đề xuất xây dựng sân golf tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Một bạn đọc viết: "Cái cần hiện nay là  ưu tiên làm đường sá, cầu cống, cấp nước cho người dân trong tỉnh, cần thống kê đảm bảo diện tích trồng lúa hoa màu, cần đánh giá tác động đến môi trường, đến sinh kế của người dân. Cần ưu tiên những trung tâm đào tạo chuyển giao công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm bảo tồn phát triển giống vật nuôi, cây trồng. Trung tâm nghiên cứu và phát triển thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi... rồi hãy làm sân golf".

Một bạn đọc khác thì lo ngại: "Cách Đình Tổ 5 km về phía hạ lưu sông Đuống là cửa lấy nước của nhà máy nước sạch phục vụ cho cả huyện Quế Võ và TP Bắc Ninh. Mà sân golf thì phải sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu, hoá chất và như vậy nguồn nước sẽ ra sao đây".

Theo thông tin trên Nhadautu.vn: Với HUDLand, công ty này được thành lập ngày 10/8/2007, do 3 cổ đông sáng lập gồm Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) thuộc Bộ Xây dựng, CTCP Đầu tư Xây dựng Thành Nam và Công ty Nikko Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của HUDLand đạt 200 tỷ đồng, trong đó, HUD là đại diện chủ sở hữu nhà nước, nắm giữ 51% cổ phần.

Về kết quả sản xuất kinh doanh của HUDLand, trong 3 năm gần đây lợi nhuận sau thuế của công ty này có diễn biến tăng nhẹ, với năm 2017 đạt 57,7 tỷ, năm 2018 đạt 73,4 tỷ, còn đến năm 2019 đạt 76 tỷ đồng.

Dẫu vậy, tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng nợ phải trả của HLD là 271 tỷ đồng, chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn 236 tỷ đồng. Đáng chú ý, vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn đạt 112 tỷ đồng, trong đó, công ty này đã vay BIDV chi nhánh Hà Nội 70,3 tỷ đồng để bổ sung vốn đầu tư hai dự án là KĐT mới đường Lê Thái Tổ- Thành phố Bắc Ninh và dự án chung cư cao tầng CT17 KĐT mới Việt Hưng.

Thêm vào đó, HLD còn phải chịu áp lực với khoản chi phí phải trả ngắn hạn lên đến 72,4 tỷ đồng do đầu tư dàn trải ở nhiều dự án đa phần thuộc tỉnh Bắc Ninh như dự án khu B Bắc Ninh với chi phí phải trả đạt 54,5 tỷ đồng hay dự án thu nhập thấp Bắc Ninh 14,4 tỷ đồng.

HUDLand là chủ đầu tư của khá nhiều dự án như Khu đô thị mới đường Lê Thái Tổ - Thành phố Bắc Ninh; dự án Khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội; dự án BT08 và LK27 tại Khu đô thị mới Vân Canh - Hoài Đức - Hà Nội.

Tuy nhiên, đa số các dự án trên của HUDLand đều là những dự án không xuất hiện nhiều trên truyền thông, song công ty này cũng không giấu giếm tham vọng đối với mảng bất động sản trong tương lai, điều này phần nào thể hiện qua dòng giới thiệu trên website: “HUDLand sẽ phát huy cao độ thành tựu đã đạt được trong những năm qua, đồng thời khắc phục những tồn tại để duy trì sự phát triển ổn định theo định hướng nhằm phù hợp với xu hướng chung của đất nước. Phấn đấu đưa công ty trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, mang đến những sản phẩm khác biệt cho khách hàng, tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông.”

Không bộc lộ rõ tham vọng như HUDLand, thành viên còn lại trong liên danh là CTCP tư vấn và thương mại Thăng Long (Thăng Long) lại là một cái tên khá mới mẻ và thông tin về công ty cũng rất khiêm tốn.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP tư vấn và thương mại Thăng Long được thành lập vào tháng 11/2006, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn ô tô và các động cơ khác thay vì làm bất động sản.

Công ty này có số vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ, gồm các cổ đông sáng lập là ông Bùi Văn Thiềng (10%), ông Trần Đức Thọ (10%), ông Vũ Đình Sâm (15%), ông Nguyễn Duy Dũng (45%) và bà Hoàng Hồng Hạnh (20%). Đến tháng 8/2017, ông Bùi Văn Thiềng giảm vốn góp về mức 1%, vừa hay tỷ lệ cổ phần mất đi lại đúng bằng con số tăng thêm trong sở hữu của ông Trần Đức Thọ. Số vốn điều lệ của Thăng Long vẫn giữ nguyên mức 100 tỷ cho đến thời điểm hiện tại.

Ngoài việc giữ chức vụ Tổng giám đốc tại Thăng Long, ông Vũ Đình Sâm còn là tổng giám đốc một công ty hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn, mô giới, đấu giá bất động sản được thành lập đầu năm 2018 là CTCP Đầu tư và thương mại THS Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.