Bạn tôi có vẻ phấn khích: Ồ, thế thì tốt lắm, còn sức còn cống hiến cho xã hội. Tôi thành thật: Cống hiến gì đâu, làm cho mình ấy mà. Bạn tiếp tục giải thích: Vẽ một bức tranh, viết một bài báo cũng là cống hiến chứ. Tôi cười to: Ông ơi nhầm to rồi, cống hiến gì chứ, vẽ tranh bán lấy tiền, viết báo lấy nhuận bút là để mình sống, cống hiến cho ai?
Từ câu chuyện vui vẻ với bạn cũ, tôi chợt nhận ra ở xã hội ta cái mỹ từ “cống hiến” lâu nay bị lạm dụng đến tả tơi, khiến nhiều cán bộ công chức cứ tưởng mình đang hy sinh cho ai đó, to hơn nữa là hy sinh cho đất nước. Nào mấy chục năm cống hiến hy sinh này nọ, rồi đòi nọ đòi kia. Có ông chỉ huân chương, có ông khoe giấy khen, bằng cấp và đủ thứ khen tặng như là một chứng cứ để đòi hỏi...
Nghĩ kỹ mà xem: Ông chủ tịch, vị bí thư, người công chức, anh thợ lò và bác công nhân nào có khác gì nhau. Chức vụ kia là để chỉ vị trí làm việc, còn làm việc thì được trả lương. Rõ ràng từ ông giám đốc cho đến chị tạp dịch đều là đi làm nhận lương để sống. Việc phức tạp, trách nhiệm nặng nề thì lương cao hơn, thế thôi. Tất cả đều giống nhau là tháo mồ hôi để lấy bát gạo.
Đi làm việc, ở vị trí nào cũng là khai thác sức mình để mà sống. Chẳng nhẽ chỉ chức này vụ kia mới cống hiến, còn người nông dân thì không sao?
Bao nhiêu năm vì hai chữ cống hiến dùng vô lối mà khiến nhiều vị khi sa ngã lại đem mấy chục năm lao động kiếm sống của mình mặc cả với xã hội là mình có công, mình đang cống hiến... để hòng gỡ tội.
Cống hiến là các bậc tiền bối cách mạng, quên thân mình đi vào chỗ hiểm nguy, hoặc mang tiền của mà mình làm ra giúp đỡ xã hội mà không nhằm vụ lợi. Cống hiến là như vậy.
Sự ngộ nhận hai chữ cống hiến trong hàng ngũ cán bộ viên chức là do “ngộ độc” nhận thức về hai từ cống hiến.
Hãy đừng lạm dụng hai từ cống hiến nữa.
Đỗ Đức