Dân Việt

Dịch vụ "cho khách Tây trọ tại gia": Còn lúng túng

17/05/2012 08:52 GMT+7
(Dân Việt) - Ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam hiện nay, dịch vụ du lịch homestay (cho khách ở trọ nhà mình) đang phát triển khá mạnh mẽ, tuy nhiên đa phần còn mang tính tự phát.

Một nhà đón hàng ngàn khách/năm

Bất cứ ai tới thăm gia đình anh Phan Văn Tăng - người dân tộc Giáy ở xã Tả Van (Sa Pa, Lào Cai) đều ngạc nhiên bởi gia đình chỉ có 4 người (gồm vợ chồng anh và bố mẹ anh) mà một năm đón, phục vụ 1.000-1.200 khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài.

img
Du khách nước ngoài ở trọ nhà dân tại Sa Pa (Lào Cai).

Càng ngạc nhiên hơn khi anh Tăng là người phục vụ chính lại không biết chữ. Hiện gia đình anh có 17 phòng ngủ cho khách du lịch, và thường xuyên kín phòng. “Cứ khách trả phòng, chúng tôi vào dọn dẹp ngay để đón khách mới. Vì chẳng biết chữ nên cũng không phải kiểm tra giấy tờ gì, khách cứ tới nghỉ, lúc nào đi thì trả tiền ăn, tiền phòng”- anh Tăng cho hay.

Từ khi đón khách du lịch, tới khi trở thành gia đình đón nhiều khách nhất ở xã Tả Van, anh Tăng chưa từng được học, hay được hướng dẫn đón tiếp khách, phục vụ du khách thế nào. Tháng 4.2012 vừa qua, anh Tăng được Hội Nông dân Pháp mời sang dự một hội thảo về du lịch cộng đồng.

Anh rất thích thú với các mô hình này. Hỏi anh về việc học làm dịch vụ du lịch, anh Tăng sôi nổi nói: “Tôi muốn học lắm nhưng không biết đi đâu để học. Giờ xã mở lớp, tôi đi học ngay”.

Mong muốn được học nghề

Mong muốn của anh Tăng cũng là mong muốn của hàng ngàn nông dân sống trong các vùng du lịch. Anh Ngôn Văn Sơn- làm dịch vụ homestay ở xã Nam Mậu (huyện Ba Bể, Bắc Kạn), cơ sở đón từ 1.200 - 1.500 du khách/năm cũng chia sẻ: “Ở bản Bó Lù có 12 hộ làm dịch vụ homestay thì mới chỉ được tham gia một lớp tập huấn vài ngày do sở VHTTDL tổ chức”.

Ở khu vực xã Nam Mậu hiện đón rất nhiều du khách tới từ Pháp, thường lưu trú 2-3 ngày. Vì thế, theo anh Sơn, nông dân cần được học nghề bài bản hơn. Anh nói: “Nếu được học những khoá học ngắn hạn 3-4 tháng, họ sẽ làm tốt hơn rất nhiều”.

Trong các chương trình sơ cấp nghề được phê duyệt để dạy nghề cho nông dân theo Đề án 1956, nghề dịch vụ du lịch chưa được đưa vào.

Tương tự, tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) cũng thu hút rất nhiều du khách, một vài gia đình có nhà cổ tự phát làm dịch vụ nấu ăn cho du khách. “Nhưng dịch vụ này hoàn toàn tự phát, rất nhiều khách nước ngoài… không dám đặt ăn, hoặc không dám ăn khi nhìn thấy chủ nhà giết gà, để thức ăn trên nền đất”- ông Vũ Đình Linh - hướng dẫn viên Công ty Viettour cho biết.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Công ty Green Field Hà Nội chia sẻ: “Có rất nhiều điểm du lịch phát triển mô hình nhà vườn, được vài năm rồi tàn lụi vì nông dân không được đào tạo, không có kỹ năng làm dịch vụ”. Hiện ông Hải đang nghiên cứu để phát triển các vùng du lịch cộng đồng ở Sa Pa (Lào Cai), xã Vũ Linh (Yên Bình, Yên Bái), Mai Châu (Hoà Bình).

Ông Hải cho biết: “Tôi sẽ mở những khoá đào tạo ngắn hạn để người dân các vùng này có kỹ năng tổ chức du lịch cộng đồng, gắn hoạt động lưu trú với tham quan quá trình sản xuất, sinh hoạt và thắng cảnh thiên nhiên. Nhưng chúng tôi cũng chỉ là người chỉ đường, chia sẻ kinh nghiệm. Quan trọng nhất là nông dân phải được hỗ trợ để làm nghề chuyên nghiệp, bài bản”.