Dân Việt

Hỗ trợ nghệ nhân dân gian: Chậm trễ vì thiếu cơ sở pháp lý

07/03/2013 13:32 GMT+7
(Dân Việt) - "Chúng tôi đều biết vai trò của các nghệ nhân là rất quan trọng, rất mong muốn có một chính sách thỏa đáng đối với những người có công gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, nhưng muốn làm gì cũng phải dựa trên cơ sở pháp lý".

Bà Nguyễn Kim Dung - Trưởng phòng Di sản văn hóa phi vật thể (Cục Di sản, Bộ VHTTDL) đã nói như trên khi trao đổi với phóng viên Dân Việt xung quanh dự thảo Nghị định phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú để làm cơ sở hỗ trợ cho các nghệ nhân dân gian. 

Thưa bà, khi Nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời mới đây, nhiều người đã tiếc cho bà vì chưa được hưởng những hỗ trợ hoặc các chính sách của Nhà nước, trong khi đó, được biết, Bộ VHTTDL đã tiến hành soạn thảo một thông tư về việc tôn vinh, phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân nhưng 10 năm qua vẫn chưa thể ban hành. Có vướng mắc tại khâu nào để dẫn đến sự chậm trễ đó?

- Thời gian 10 năm như bạn nói là tính từ khi Luật Di sản văn hóa (2001) và Luật Thi đua-Khen thưởng (năm 2003) được ban hành. Sự ra đời của những luật này cho thấy một bước chuyển biến quan trọng về nhận thức trong xã hội về di sản văn hóa. Tuy nhiên, ở vào thời điểm trước khi có Luật Di sản văn hóa thì hiểu biết của xã hội về vai trò của nghệ nhân, các lĩnh vực hoạt động của họ và sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với họ chưa được thấu đáo, toàn diện. Lúc đó mới chỉ quan niệm, nghệ nhân dân gian là nghệ nhân ở các làng nghề thủ công.

img
Nghệ nhân Hát xẩm Hà Thị Cầu đã ra đi mà không chờ được hỗ trợ.

Thực tế là các loại hình của di sản văn hóa phi vật thể không phải chỉ có nghề thủ công truyền thống mà còn có 6 loại hình khác nữa bao gồm: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Tri thức dân gian, Lễ hội truyền thống và Nghệ thuật trình diễn dân gian. Thế nên Bộ VHTTDL đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, trong đó sửa ngay Điều 65 của Luật Thi đua-Khen thưởng. Chúng tôi đều biết vai trò của các nghệ nhân là rất quan trọng, rất mong muốn có một chính sách thỏa đáng đối với những người có công gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, nhưng muốn làm gì cũng phải dựa trên cơ sở pháp lý.

Nhưng có lẽ Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan đã hành động quá chậm trễ, trong khi độ tuổi của các nghệ nhân thì toàn thuộc vào loại “gần đất xa trời”...

- Chỉ sau khi Điều 65 Luật Thi đua-Khen thưởng được sửa đổi, làm căn cứ trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, việc xây dựng văn bản dưới luật về chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân thuộc các loại hình của di sản văn hóa phi vật thể mới có cơ sở pháp lý để triển khai. Bộ VHTTDL đã nhanh chóng bắt tay vào xây dựng dự thảo thông tư quy định quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nhưng trong thực tế vẫn còn có điểm bất cập. Đó là căn cứ luật pháp về thi đua, khen thưởng, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành thông tư quy định về việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân nghề thủ công truyền thống và năm 2011 đã triển khai xét phong tặng được 1 đợt, hiện đang tổ chức xét tặng đợt 2.

Đã có một số ý kiến bộ, ngành đề nghị sáp nhập việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú vào một bộ chủ trì. Vấn đề này đã tốn một số thời gian để đi đến kết luận hiện nay là cả 2 bộ cùng song hành thực hiện. Bộ Công Thương tiếp tục đảm trách phần phong tặng nghệ nhân nghề thủ công truyền thống và Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm các loại hình còn lại.

Về nghị định đang soạn thảo, Bộ VHTTDL dự tính sẽ hỗ trợ gì cho các nghệ nhân? Hội Văn nghệ dân gian VN đã nhiều lần đề xuất nên có một khoản trợ cấp hàng tháng cho các nghệ nhân, nghị định có đề cập đến việc này không, thưa bà?

- Bên cạnh sự tôn vinh bằng danh hiệu cao quý nhà nước (do Chủ tịch nước ký), nghệ nhân được hưởng (1 lần) mức tiền thưởng đi kèm bằng 12 lần mức lương tối thiểu đối với danh hiệu nghệ nhân nhân dân, 8 lần mức lương tối thiểu đối với danh hiệu nghệ nhân ưu tú (tương đương với mức thưởng của danh hiệu NSND, NSƯT) theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Về đề xuất của Hội Văn nghệ dân gian, theo cá nhân tôi, đây là mong muốn xác đáng. Căn cứ các quy định tại luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, trong dự thảo nghị định này, Ban soạn thảo cũng đã đề cập đến việc Nhà nước sẽ có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, có trợ cấp hàng tháng cho các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn. Bộ LĐTBXH sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định và định mức cụ thể trình Chính phủ ban hành.

Điều nhiều người quan tâm lúc này là khoảng lúc nào thì nghị định được ban hành và có hiệu lực?

- Hy vọng dự thảo nghị định sẽ được hoàn tất để trình Chính phủ ban hành trong năm nay. Ngay trong tháng 3 này, sau khi Ban soạn thảo họp chốt lại, chúng tôi sẽ đăng tải dự thảo trên cổng thông tin của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi của công chúng; đồng thời gửi xin ý kiến các bộ, ngành và các nhà khoa học. Sau khi nghị định được Chính phủ ban hành và có hiệu lực, việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú sẽ được tiến hành theo 3 cấp - địa phương, cấp bộ, cấp nhà nước.

Là bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, chúng tôi rất mong muốn làm sao để có các chính sách tốt nhất hỗ trợ cho các nghệ nhân để họ có thể tích cực chủ động và chung tay giữ gìn di sản văn hóa. Tuy nhiên, từ mong muốn đến hiện thực là một khoảng cách và còn nhiều khó khăn cần giải quyết.

Xin cảm ơn bà!