Dân Việt

Sách mới: Chuyện nhỏ Sài Gòn

07/03/2013 12:17 GMT+7
Dân Việt - Cuốn sách là là cảm nhận, là cảm xúc rất riêng, rất lạ, rất khác nhưng cũng rất thật của Đàm Hà Phú về Sài Gòn.

Đàm Hà Phú đến từ Nha Trang và luôn ở lại Sài Gòn hơn hai chục năm nay, sở thích là đi lại và viết lách, đã từng đi toàn Việt Nam mà chưa đi hết Sài Gòn, đã từng viết đủ mọi thứ mà chưa viết đủ về Sài Gòn, đã từng yêu mọi nơi mà chưa yêu trọn Sài Gòn. Đàm Hà Phú, đến Sài Gòn năm 1991, đến Sài Gòn sáng hôm nay để viết, ngày mai sẽ lại đến Sài Gòn để yêu.

img
"Chuyện nhỏ Sài Gòn" vừa được ra mắt độc giả

Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Người ta thương Sài Gòn bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở, nhưng như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương.

Tác giả tâm sự: “Với tôi khi đến một vùng đất khác, nghe một giọng nói khác… tôi luôn cho rằng mình may mắn, giống như được nghe kể về một câu chuyện. Sài Gòn đối với tôi như một chốn khác với những con người khác, mỗi ngày, dù tôi vẫn ở đây hơn hai mươi năm nay, vì những câu chuyện ở Sài Gòn không bao giờ cũ. Giống như trò cá mưa cá nắng, ở mảnh đất hai mùa mưa nắng này, không ai chính xác biết ngày nào sẽ mưa, ngày nào sẽ nắng, Sài Gòn chỉ có một quy luật, luật để sống ở Sài Gòn là cái tình.”

Những câu chuyện như: Bánh mì Sài Gòn, Chuyện kể xe ôm, Sài Gòn Lạc-Xoong, Làm vài chai ở Sài Gòn, Về miền Tây uống “gụ”, Tình thời ăn mắm chấm rau, Cá rô bông điên điển, Mùi Tình Yêu, Ăn nhớ, ăn thương, Chuyện dọc đường, Thái độ sống… của Đàm Hà Phú đều trở nên dễ thương và ấn tượng với người đọc.

“Một tập sách ấm áp. Đọc Phú thấy đời đẹp, những vẻ đẹp ai cũng gặp một lần nhưng cuộc sống của họ không đủ chậm để giữ lại, để nâng niu. Ngang dọc khắp nơi, người viết tỉ tê kể cho ta những tấm chân tình trong cát bụi. Nhịp văn nhanh mạnh, rất chi là phóng khoáng. Tưởng đọc Phú là đọc chuyện, nhưng cả văn cũng lôi cuốn, dí dỏm…” là những lời đề tặng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về những câu chuyện nhỏ này.