Như Dân Việt đưa tin, sáng 29/3, Bộ Y tế công bố thêm 5 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó, ca bệnh 178 là nữ bệnh nhân tên H.T.N (44 tuổi) làm việc tại Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và được xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Điều đáng nói là bệnh nhân số 178 trú tại xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã khai báo vòng vo, gian dối khiến nhiều người phải cách ly. Đến thời điểm hiện tại, Thái Nguyên đã thực hiện cách ly 8 bệnh nhân từng cùng phòng với bệnh nhân 178, cách ly tại chỗ 12 cán bộ của Bệnh viện Đa khoa Đại Từ do tiếp xúc với bệnh nhân 178.
Ngoài ra, hơn 10 người đi cùng chuyến xe từ Bạch Mai về Đại Từ với bệnh nhân cũng được cách ly tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên.
Sáng cùng ngày, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân 178 (khai báo vòng vo, thiếu trung thực) để răn đe giáo dục.
Trước bệnh nhân 178 đã có nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19 khai báo thông tin dịch tễ thiếu trung thực, không thực hiện cách ly, che dấu thông tin hành trình gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 như bệnh nhân số 17, bệnh nhân số 34, bệnh nhân số 100, ... Đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý để răn đe.
Nhiều người cho rằng, bên cạnh trường hợp bệnh nhân 178 cũng cần có hình thức xử lý răn đe, giáo dục với các bệnh nhân khác đã làm lây lan dịch bệnh vì hành vi khai báo không trung thực, không cách ly theo quy định.
Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng văn phòng luật Trung Hòa) cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, khả năng lây lan trong cộng đồng cao thì hành vi khai báo gian dối, vòng vo và trốn cách ly đi vào khu vực đông người sẽ làm mất kiểm soát về dịch bệnh, tăng khả năng lây nhiễm.
Bệnh nhân số 178 ở Thái Nguyên biết bản thân làm việc ở nơi có ca nhiễm bệnh Covid-19 nhưng vẫn không chủ động khai báo y tế. Khi cơ quan chức năng làm việc, bệnh nhân này cũng vòng vo, khai báo không trung thực. Như vậy, có thể thấy hành vi của bệnh nhân này là không thể chấp nhận được và đã vi phạm quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định, hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; hoặc không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 1.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo luật sư Tùng, trường hợp của bệnh nhân số 178, nếu như làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác thì cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý hình sự "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nghĩa là để xem xét khởi tố hình sự, người có hành vi trốn cách ly, khai báo gian dối phải có hậu quả là lây lan dịch bệnh cho người khác.
Người vi phạm tội danh này có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 12 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nhà nước, với tổ chức và cá nhân.
Tuy nhiên, theo luật sư Tùng, hiện nay việc quan trọng hơn là điều trị cho bệnh nhân 178 nhiễm Covid-19 và theo dõi các trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân này.
"Chắc chắn, các cơ quan chức năng sẽ tập trung điều trị cho bệnh nhân khỏi bệnh, ngăn ngừa lây lan rồi mới xem xét các yếu tố liên quan để xử lý đúng quy định pháp luật, có tác dụng răn đe giáo dục các trường hợp tương tự" - luật sư Tùng cho hay.
Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiếm có khả năng lây truyền cho người.
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế.
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.