Dân Việt

Đạo đức xã hội đang bị đẩy lại phía sau

13/12/2010 18:45 GMT+7
(Dân Việt) - "Đối với xã hội hiện nay, vấn đề được quan tâm hàng đầu là kinh tế, vì vậy chuẩn mực đạo đức xã hội đang bị đẩy lại phía sau...", Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trao đổi với NTNN.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, trao đổi với NTNN xung quanh những vụ việc liên quan đến vấn đề vi phạm đạo đức nhà giáo thời gian gần đây.

Thiếu chuẩn mực đạo đức xã hội

Là người nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, Giáo sư (GS) suy nghĩ gì về một số thầy, cô giáo vi phạm đạo đức mà báo chí vừa qua đã nêu?

img
 

- Từ xưa đến nay, nghề giáo được người Việt Nam coi là nghề đặc biệt cao quý, được cả xã hội tôn trọng. Nhà trường và thầy giáo, cô giáo luôn là những điểm sáng của xã hội, là “lô cốt” vững chắc để bảo vệ các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay văn hóa nhà trường đang ít nhiều bị xuống cấp. Tất nhiên không phải tất cả các thầy cô, các trường đều như vậy. Những vụ vi phạm đạo đức nhà giáo thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều.

Thậm chí có những vụ vi phạm hết sức đau lòng như: Hiệu phó tống tình nữ sinh, cô giáo “mày tao mi tớ”, xỉa xói học trò ở Hải Phòng, hay hiệu trưởng tổ chức cả đường dây mua dâm học sinh như vụ Sầm Đức Xương ở Hà Giang… Đây đã không còn là vấn đề của một ngành, một lĩnh vực, mà trở thành vấn đề đạo đức xã hội đáng lo ngại.

Người thầy được coi là người khởi nguồn và bảo vệ mọi giá trị đạo đức nhân văn cho nhiều thế hệ học trò, vì vậy, khi đạo đức nhà giáo xuống cấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuẩn mực đạo đức xã hội và tương lai đất nước.

Theo GS, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận nhà giáo hiện nay?

- Ở ta đang có sự chuyển đổi từ văn hóa truyền thống sang văn hóa hiện đại. Đây là điều tất yếu khi xây dựng kinh tế thị trường và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Nhiều người cho rằng sự xuống cấp về đạo đức xã hội do ảnh hưởng mặt xấu của văn hóa phương Tây. Nhưng tôi cho rằng không đơn giản như vậy. Nguyên nhân trước hết là chúng ta chưa định hình được trong xã hội những chuẩn mực cụ thể, chưa quan tâm đến việc xây dựng và quảng bá các chuẩn mực này.

Đối với xã hội hiện nay, vấn đề được quan tâm hàng đầu là kinh tế, vì vậy chuẩn mực đạo đức xã hội đang bị đẩy lại phía sau. Tình hình này giống như trong một gia đình, bố mẹ quá mải mê kiếm tiền, không quan tâm đến đời sống của con cái, dẫn đến chỗ con cái hư hỏng lúc nào không biết.

Bên cạnh đó, các vi phạm đạo đức trong giáo dục chưa được xử lý đủ nghiêm khắc nên vi phạm luôn tái diễn, vụ sau nặng hơn vụ trước. Ví dụ, vụ clip nữ sinh đánh nhau ở trường Trần Nhân Tông (Hà Nội), công an mất rất nhiều công để điều tra nhưng đến khi xử lý chỉ là tạm đình chỉ học tập, cảnh cáo, thậm chí cháu bị đánh còn nhận mức kỷ luật nặng hơn các cháu làm nhục bạn. Xử lý như vậy không có tính răn đe nên sau đó hàng loạt các clip đánh nhau khác được đưa lên mạng như một trào lưu xấu trong giới học sinh.

Thế nhưng, chúng ta cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nguyên nhân khách quan. Điều mà dư luận nhắc nhiều gần đây đó chính là một bộ phận người thầy tự hạ thấp mình?

- Đúng vậy, ngày trước ra đường, nhìn cách ăn nói, trang phục, đi đứng người ta dễ dàng nhận biết đâu là một nhà nho, đâu là anh viên chức. Còn bây giờ dường như là lẫn lộn, nhạt nhòa vào nhau, rất khó phân biệt. Những chuẩn mực xã hội không rõ nét như trước nữa. Ranh giới thầy trò đang bị thu hẹp dần, không phải theo nghĩa tốt là dân chủ hơn mà theo nghĩa “người trên ở chẳng chính ngôi / để cho kẻ dưới chúng tôi sỗ sàng”.

Chính vì ranh giới bị xoá nhoà nên mới có chuyện thầy trò rủ nhau đi uống rượu, hát karaoke, thậm chí nhiều nơi học trò còn dám rủ thầy làm nhiều chuyện này, chuyện khác nữa. Đổi lại sẽ là nâng điểm, là dễ dàng khi thi cử, là làm hộ luận văn tốt nghiệp…

Nếu chính người thầy đã tự hạ thấp vị trí của mình trong mắt học trò như vậy thì làm sao đòi hỏi trò tôn trọng mình được? Và khi mọi thứ đều có thể “mua” thì đạo đức xã hội không còn có giá trị gì cả. Một bộ phận người thầy đã tự đánh mất giá trị của mình như thế…

Tuyển chọn, đào tạo người thầy quá dễ dãi

Phải chăng cũng một phần xuất phát từ việc “đào tạo người thầy” chưa chuẩn, thưa ông?

- Tôi có cảm giác rất nhiều thầy cô hiện nay chỉ coi nghề giáo như là một nghề để kiếm sống chứ không phải một nghề mà họ yêu thích.

Hay nói cách khác, họ không có lòng yêu nghề và không đáp ứng được yêu cầu của nghề ngay từ khi bước chân vào nghề. Ngày trước, tuyển chọn vào ngành sư phạm hết sức khó khăn.

Trước khi thi tuyển, thí sinh phải được trực tiếp phỏng vấn. Đây là bước thẩm định để xem thí sinh có ngoại hình và tố chất xứng đáng làm nghề giáo hay không, sau đó mới đến phần thi chuyên môn. Bây giờ việc tuyển chọn vào ngành sư phạm dễ dàng hơn, chỉ cần qua mấy bài thi tuyển sinh như bất cứ ngành nghề nào khác.

Thậm chí có một thời người ta ví: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, vì vậy việc tuyển chọn người thầy cũng không thể đòi hỏi cao như trước. Thầy cô thiếu lòng yêu nghề, lại không đáp ứng được yêu cầu của nghề ngay từ đầu nên việc rèn luyện đạo đức, tác phong nhà giáo cũng như chuyên môn không được họ coi trọng.

Trước những vụ việc vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, không nên đưa rộng rãi ra công luận vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cả một nghề nghiệp được xã hội tôn vinh, GS có suy nghĩ gì về điều này?

img
Bị cáo Sầm Đức Xương - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Lâm hầu toà vì liên quan đến vụ mua trinh học trò chấn động Hà Giang thời gian qua.

- Mình không thể không đưa ra công luận được. Trong một xã hội dân chủ, không có một vị trí nào, nghề nghiệp nào được bưng bít những việc làm sai cả. Một xã hội bưng bít là một xã hội không tốt. Anh bưng bít cho những sai lầm của nghề giáo thì anh cũng có thể bưng bít cho những nghề khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đưa tin đúng mức.

Bên cạnh việc phê phán hành vi xấu, người xấu, cần đẩy mạnh tuyên dương cái tốt để cả xã hội noi gương. Cách tuyên truyền gương tốt cũng cần thay đổi, làm sao cho chân thực hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn.

Khó thanh tra vi phạm đạo đức

Hiện nay mới chỉ thấy nạn nhân của các vụ việc tố giác các vi phạm đạo đức nhà giáo chứ chưa thấy sự vào cuộc của thanh tra giáo dục hay cơ sở Đảng nhà trường, đồng nghiệp?

Giáo dục đạo đức xã hội không thể thành công nếu chỉ giảng giải đơn thuần bằng lời nói. Muốn thành công, phải có những tấm gương tốt để noi theo và ngược lại cũng cần phải dùng pháp luật để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

- Tinh thần đấu tranh phê bình, tự phê bình của chúng ta hiện nay rất kém, đó là tình trạng chung của cả xã hội chứ không chỉ trong nhà trường. Cũng có những trường hợp đồng nghiệp tố giác vi phạm của nhau nhưng những trường hợp này thường do mâu thuẫn cá nhân, tranh chức tranh quyền.

Còn ở phần lớn các đơn vị, cơ quan, người ta đều né tránh, với tâm lý ngại va chạm, lôi thôi, sợ mang vạ vào thân; cũng có trường hợp né người ta việc này để người ta né mình việc khác, bao che cho nhau, cùng nhau vi phạm…

Còn thanh tra giáo dục hiện nay chỉ thanh tra những vụ việc được tố giác hoặc thanh tra theo kế hoạch đã đủ kín thời gian rồi. Khi thanh tra, thường tập trung vào các vụ việc vi phạm pháp luật như tham nhũng, bạo hành…, còn vấn đề đạo đức nghề nghiệp vẫn chưa làm được và cũng rất khó làm.

Vậy theo GS, chúng ta cần có giải pháp gì để nâng cao vai trò đạo đức nhà giáo, tránh những vụ việc đáng tiếc như vừa qua tiếp diễn?

- Để làm được điều này, trước mắt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Cần xử lý các vi phạm một cách nghiêm khắc để làm gương. Đặc biệt, phải có cơ chế để xã hội tham gia giám sát hoạt động của nhà trường. Luật Giáo dục hiện hành có quy định việc thành lập Hội đồng trường.

Đây là một hình thức để xã hội tham gia giám sát nhà trường. Tuy nhiên, do không có hướng dẫn cụ thể nên rất ít trường thành lập và duy trì được hoạt động của Hội đồng trường. Thành phần xã hội tham gia Hội đồng trường rất hình thức. Có trường mời doanh nghiệp tham gia Hội đồng, chắc chỉ nhằm kêu gọi tài trợ; trong khi đó, đại diện Hội đồng nhân dân, các tổ chức xã hội, phụ huynh học sinh lại không có mặt trong tổ chức này.

Về lâu dài, xã hội cần đầu tư nhiều hơn nữa cho văn hóa, giáo dục, không phải chỉ đầu tư tiền bạc, cơ sở vật chất, mà cần tăng cường đầu tư nhân lực, xác định và thực hiện những chuẩn mực của đạo đức nhà giáo, để các thầy, các cô đảm đương sứ mệnh vẻ vang đào tạo các thế hệ nối tiếp sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của tiên tổ, cha ông.

Xin cảm ơn GS!