Không riêng Ứng Hòa, thực tế này đang diễn ra ở nhiều vùng nông thôn…
Bức tranh tối màu
Ứng Hòa là một huyện ngoại thành của Hà Nội, có dân số khoảng 200.000 người, trong đó 75% sống bằng nghề nông nghiệp. Ông Nguyễn Hồng Dâng – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Vì là huyện thuần nông, nhà máy, xí nghiệp không có cho nên kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Việc mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho thành viên trong gia đình gần như là không thể. Vì thế, tỷ lệ bao phủ BHYT trong vùng còn khiêm tốn”.
Tỷ lệ nông dân huyện Ứng Hòa nói riêng, Hà Nội nói chung tham gia BHYT hiện nay rất thấp (ảnh minh họa). |
Báo cáo của huyện cho thấy, tỷ lệ bao phủ BHYT của toàn huyện đạt ở mức 53%, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước (năm 2011 là 54%). Tỷ lệ người có BHYT chủ yếu rơi vào các đối tượng phải mua BHYT bắt buộc như học sinh (đạt 97%), hoặc đối tượng được Nhà nước cấp không như: Người hưu trí, người có công, trẻ em… Đáng buồn, toàn huyện 29 xã, thị trấn với hơn 200.000 dân nhưng hầu hết người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp lại đang “trắng” BHYT.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội thừa nhận: “Đây là một “bức tranh” thật về tình hình BHYT. So với mặt bằng chung về độ bao phủ BHYT thì ở nông thôn đã thấp, tỷ lệ mua trong nhóm thuần nông (chỉ làm nông nghiệp) còn thấp hơn nữa. Như ở các huyện Đông Anh, Quốc Oai (Hà Nội), tỷ lệ dân số có BHYT chỉ ở mức 49%, trong đó 100% người làm nông nghiệp không có BHYT
Vẫn khó huy động toàn dân vào cuộc
Theo bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội, đã gọi là BHYT toàn dân thì cũng có nghĩa là toàn dân phải tham gia vào BHYT: “BHYT toàn dân được nhắc đến cách đây hơn 20 năm rồi, chứ không phải tới 3 năm gần đây khi thực hiện Luật BHYT chúng ta mới đề cập tới. Vậy nhưng, sau hơn 20 năm, tình hình triển khai thực hiện vẫn chưa có nhiều khởi sắc, đặc biệt nông dân vẫn chưa tiếp cận được, hoặc tiếp cận được nhưng không muốn mua. Vậy, vấn đề là ở đâu?” – bà Mai đặt câu hỏi với chính quyền địa phương.
Nhìn từ thực tế huyện Ứng Hòa thì vấn đề được nhìn nhận là chính quyền địa phương tổ chức quản lý, triển khai còn chưa sát. “Chúng tôi đang tìm hiểu có hay không việc chỉ đạo theo ngành dọc đang gây cản trở tới việc “toàn dân” tham gia thực hiện Luật BHYT. Bởi vì hiện nay nếu là các vấn đề liên quan tới khám chữa bệnh, BHYT thì đều do Sở Y tế chỉ đạo, vì thế chính quyền địa phương gần như là đang đứng ngoài cuộc” - ông Đỗ Mạnh Hùng phân tích.
Bên cạnh đó, việc điều trị ở tuyến huyện, xã cũng không thu hút người dân. Bác sĩ Mai Trung Hà – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa cho biết, toàn huyện có gần 100 bác sĩ, 50 bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình và 20 bác sĩ ở trung tâm y tế, các xã còn lại có 25 bác sĩ. Tuy nhiên, trung bình mỗi đơn thuốc ở tuyến xã được thanh toán 27.000 đồng, tuyến huyện là 30.000. “Với giá trị thuốc này, người dân không tin tưởng sẽ khỏi bệnh nên họ thường vượt tuyến. Vì thế họ cũng ngại mua BHYT” - bác sĩ Hà nhận định.
Cùng nhận định trên, bác sĩ Nguyễn Thị Ngụ - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) giãi bày: “Như năm vừa rồi, trạm y tế xã chỉ được thanh toán có 9 triệu đồng tiền khám chữa bệnh, thuốc điều trị cũng thiếu. Dân tới không được khám, chuyển tuyến cũng khó nên họ cũng ngại mua BHYT. Hơn nữa, hiện nay đơn vị bảo hiểm ký hợp đồng với thanh toán BHYT với bệnh viện, nhưng trạm y tế các xã lại trực thuộc trung tâm y tế huyện, vì thế việc thanh quyết toán và chỉ đạo thực hiện khám chữa bệnh bằng BHYT rất chồng chéo”.
Minh Nguyệt