Dân Việt

Học lại nghề nông để thoát nghèo

13/12/2010 13:26 GMT+7
(Dân Việt) - Nhiều năm qua, dù có nhiều cố gắng, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở xã Huy Thượng, Phù Yên (Sơn La) vẫn rất cao. Chỉ đến khi chính quyền địa phương vào cuộc, tổ chức dạy nghề cho bà con, mảnh đất này mới dần thay da đổi thịt.
 img
Công ty Giày da xuất khẩu Ngọc Hà vừa tuyển chọn đào tạo 600 ND huyện Phù Yên trở thành công nhân.

Tháo gỡ từ nhận thức

Anh Phạm Tiến Đạt - Giám đốc Công ty cổ phần Thành Môn - doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng dạy nghề cho ND Phù Yên theo Chương trình 30a, chia sẻ: “Khi tổ chức 20 lớp dạy nghề (3 tháng/lớp), chúng tôi giao cho các giáo viên dạy kiến thức và từng bước thay đổi tư duy của học viên để sau những khoá học, không có tình trạng "chữ thầy trả thầy".

Bên vườn thực hành của lớp học nghề trồng trọt, thầy giáo Đinh Gia Bảy và cô giáo Nguyễn Thanh Vân đang hướng dẫn học viên cách cầm thùng ô doa tưới cho đều, đẫm nước, không giập lá non.

Chị Lường Thị Sương, bản Chài, bảo: "Tôi đã dự nhiều lớp tập huấn rồi nhưng chưa có lớp nào thời gian học dài, đầy đủ lý thuyết, thực hành và có hỗ trợ tiền ăn hàng ngày như lớp này. Tuy chỉ 15.000 đồng/ngày nhưng cũng giúp chúng tôi yên tâm học tốt hơn. Những luống hành, tỏi này, chúng tôi trồng đầu khoá học, nay gần thu được rồi. So với trồng ở nhà, cây ở đây tốt gấp 2-3 lần".

Từ năm 2009 đến nay, huyện Phù Yên đã đào tạo nghề cho gần 3.000 ND; trong đó hơn 600 người làm công nhân công ty giày da, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng. Huyện hỗ trợ trên 25 tỷ đồng cho ND mua giống cây-con, làm chuồng trại nuôi gia súc; khai hoang ruộng nước; quảng bá giới thiệu sản phẩm. Tỉ lệ hộ nghèo trong huyện hiện là 28%, giảm 11% so với năm 2008.

Chỉ vào gian chuồng lợn trống rỗng, ông Lường Văn Khuôn thật thà: “Trước đây tôi nuôi lợn thịt giống cũ, lại cho ăn không tử tế nên nuôi nhiều mà có thấy lãi đâu.

Học lớp chăn nuôi này, tôi biết cách nuôi lợn nái giống mới, lợn thịt siêu nạc nên vừa thanh lý hết lứa lợn cũ rồi. Ngân hàng CSXH huyện cũng mới cho tôi vay hơn chục triệu đồng. Lần này tôi nuôi lợn nái giống lai, chưa giàu thì cũng không thể nghèo nữa”.

Trao đổi với tiến sĩ kinh tế, Bí thư Huyện uỷ Hoàng Quốc Khánh, ông bảo: “Thực hiện Chương trình 30a, ngay sau mục tiêu xoá nhà tạm, chúng tôi chọn dạy nghề làm mũi nhọn thứ 2. Khi ND có tri thức và có ý thức thì việc xoá nghèo sẽ đơn giản hơn; hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cao hơn. Dạy nghề cho ND là giúp ND đuổi kịp chính mình”.

Khát vọng mới

Nắng chiều ngả dần xuống dãy núi bên tả ngạn sông Đà. Trong chuồng, đôi lợn giống mới bắt về đang ụt ịt đòi ăn, nhưng anh Vì Văn Phong vẫn đang loay hoay bên 2 luống rau trước nhà. Hết gang tay đo chiều cao mặt luống, anh lại đưa cán cuốc đo chiều dài, chiều rộng luống rau. Anh bảo: “Cái luống này tôi sẽ trồng hành, tỏi bởi dễ bán, lại được giá hơn.

Tỏi ở đây hiện giờ là 200.000 đồng/kg, Tết giá còn cao hơn. Làm tốt thì 70m2 rau này thu nhập bằng 2 sào đất lúa. Nếu không có thiên tai hạn hán, sang năm tôi có thể trả lại nhà nước cái bìa vàng (sổ hộ nghèo)”.

Rẽ qua gia đình chị Bạc Cầm Sen, bản Bún Thượng khi bữa cơm tối vừa dọn ra. Liếc qua mâm cơm, thấy có thịt, cá và bát canh cà đắng nấu thịt - món đặc sản của Phù Yên. Chị Sen đon đả: "Hôm nay em nhận lương tháng đầu tiên làm công nhân trong đời nên mua thêm chút thức ăn chiêu đãi chồng".

Anh Tuấn - chồng chị Sen, phấn khởi: “Từ khi có Chương trình 30a, hàng ngàn người dân Phù Yên được học nghề. Vợ em học làm giày da thế là thành công nhân Công ty giày Ngọc Hà trên thị trấn. Em học chăn nuôi-trồng trọt. Cứ đà này chẳng mấy chốc mà gia đình em khá lên.