Ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An, các nhóm người lạ mặt ăn mặc sang trọng, đi xe ô tô hoặc xe tay ga đắt tiền cũng lùng sục khắp nơi hỏi mua tắc kè. Tuy nhiên, với trọng lượng tối thiểu mà họ đưa ra là 300gram, chưa có ai bắt được.
Tại Bạc Liêu, từ đầu tháng 12, nhiều nhóm đi xe du lịch và xe gắn máy hoạt động quẩn quanh các xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) và khu vực huyện Hòa Bình tìm mua tắc kè. Sau mấy ngày làm dân chúng xôn xao, nhóm này lặng lẽ rút êm về Cà Mau, Sóc Trăng… Anh Lê Văn Hà - phường Phú Khương (TP. Bến Tre) cho biết, nhiều thanh niên trong xóm anh gần đây bỏ công ăn việc làm để đi tìm tắc kè. Tuy nhiên, tắc kè mà họ săn được không đủ 300gram nên khi kêu bán chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Liên lạc với địa chỉ "mua tắc kè phục vụ nghiên cứu dược phẩm chữa bệnh giá cao" có văn phòng giao dịch tại đường Quang Trung (Gò Vấp, TP. HCM), chúng tôi được nhân viên ở đây hướng dẫn liên lạc với một người tên D, số điện thoại 016986803xx. Không cần gặp mặt, người này ra giá "15 triệu đồng/con, cứ đem lên chúng tôi mua hết".
Anh Nguyễn Cao Trí (ngụ ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) cho biết, nhiều thanh niên nhờ anh tìm giùm tắc kè loại 300gram trở lên, cứ mỗi con họ trả công 1 triệu đồng, còn giá mua khoảng 15-20 triệu đồng/con, tắc kè càng lớn giá càng cao. Nhưng khi anh Trí có 2 con tắc kè do bà con mang bán thì nhóm này từ chối thẳng thừng là chưa đủ chuẩn.
Nhiều người có kinh nghiệm cảnh báo rằng, đây có thể là chiêu lừa đảo theo kiểu tạo cơn sốt giả. Sau khi đẩy giá lên cao, một số kẻ sẽ cung cấp tắc kè từ nơi khác đến với giá thấp hơn một ít. Khi người dân hám lợi mua vào số lượng lớn, có thể những kẻ rao mua kia sẽ biến mất, hoặc không mua vào nữa.
Vũ Khánh - Hữu Danh