Buổi chiều định mệnh
Khoảng 16 giờ ngày 13.3, 4 kỹ sư nông nghiệp của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (chi nhánh tại Đăk Lăk) và 7 kỹ sư nông nghiệp khác từ Nâm Nđir sang thôn 3, xã Ea Rbin, huyện Lăk, Đăk Lăk thăm ruộng ngô trồng từ giống do công ty cung cấp. Để qua sông Krông Nô, họ đi nhờ xuồng của ông Doãn Thế Truyền (SN 1953, trú tại thôn 3, xã Ea Rbin). Do xuồng nhỏ, lúc đầu, ông Truyền chỉ chở 2 người, sau ông mượn xuồng lớn hơn để chở đoàn người qua sông.
Người dân chưa hết bàng hoàng sau cái chết của 6 kỹ sư trẻ. |
Hơn 17 giờ, cả đoàn người cùng ông Truyền lên xuồng lớn trở về. Khi chỉ còn chừng 3m nữa đến bờ thì một số người trong đoàn đứng dậy quay phim, chụp ảnh. Bị sự tác động này, mũi xuồng bắt đầu tròng trành. Thấy vậy, những người trên xuồng hốt hoảng càng khiến xuồng thêm tròng trành rồi lật úp.
Lúc đó xuồng của anh Trương Văn Ái (thôn Nam Xuân, xã Nâm Nđir) ở gần đó đã chạy tới cứu giúp. Dù rất nỗ lực, nhưng anh Ái cũng chỉ đưa được 6 người vào bờ. 6 người còn lại mất hút dưới dòng nước.
Ông Đinh Xuân Sơn - Phòng Kinh doanh Công ty Dekalb Việt Nam cho biết, trong số những người thiệt mạng có 2 người là kỹ sư của công ty, số còn lại là các kỹ sư đi theo tìm hiểu mô hình để về tuyên truyền cho các đại lý và nông dân.
Ông Ngô Xuân Lộc - Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, mặc dù huyện, tỉnh đã điều động gần 80 cán bộ, chiến sĩ, 2 xuồng máy cùng hàng chục người dân tham gia tìm kiếm, nhưng đến 16 giờ ngày 14.3 mới chỉ tìm được xác 3 người.
Đề nghị truy tố để răn đe
Sau khi bàng hoàng kể lại sự việc, ông Truyền cho biết: “Người dân ở đây bất cứ ai cũng có thể chèo xuồng sang sông. Chúng tôi không có áo phao, không có ai được cấp phép chèo đò. Nhưng chúng tôi cũng chưa từng bị ai ngăn cấm, hàng chục năm qua, chúng tôi vẫn qua lại đoạn sông này trên những chiếc xuồng tự tạo”. Ông Truyền cũng cho biết, chiếc thuyền vừa bị nạn dài khoảng 8m, rộng 1,2m và được chèo bằng chân.
Theo ông Lê Đức Cường - Phó Chủ tịch xã Nâm Nđir, đoạn xảy ra tai nạn không phải là bến đò. Nhưng hàng ngày vẫn có khoảng 30 hộ dân tại thôn Nam Ninh sang sông để canh tác. Trước đây, bên Ea Rbin cũng có 4 học sinh thường xuyên qua đoạn sông này để đi học. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là việc làm tự phát của dân nên trước nay, cơ quan chức năng cũng như chính quyền không có biện pháp gì can thiệp.
Chủ tịch huyện Krông Nô cũng thừa nhận lâu nay chính quyền chưa và cũng rất khó để can thiệp vào việc người dân tự ý đi lại trên sông mặc dù đã từng có một số người chết trên đoạn sông này. “Sau bài học cay đắng này, chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền cảnh báo, cấp áo phao cho những hộ dân sống trong khu vực này. Riêng vụ việc này, chúng tôi sẽ đề nghị Công an tỉnh khởi tố vụ án để răn đe sau này”- ông Lộc nói.
1. Nguyễn Hoàng Huyên (SN 1974), trú tại huyện Cư Kuin, Đăk Lăk.
2. Phạm Trần Nguyễn Đàm (SN 1975), trú tại huyện Cư M’gar, Đăk Lăk.
3. Nguyễn Thị Kim Nhã (SN 1987), trú tại huyện Cư Kuin, Đăk Lăk.
4. Lê Trung Thành, trú tại huyện Cư M’gar, Đăk Lăk.
5. Trần Thị Kim Hằng, trú tại huyện Krông Búk , Đăk Lăk.
6. Phùng Quốc Huy (chưa rõ năm sinh, quê quán).
Duy Hậu