Dự án trồng và chế biến sắn củ do Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) T.Ư Hội NDVN và Hội ND tỉnh Yên Bái thực hiện tại xã Mậu Đông. 30 hộ đã được Quỹ HTND cho vay 900 triệu đồng với lãi suất 0,8% trong thời gian 18 tháng
Nhiều hộ trồng sắn xã Mậu Đông đã được Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp vốn. |
Có tiền xây lò sấy
Anh Nguyễn Minh Cương ở thôn 5, xã Mậu Đông vừa nhận 30 triệu đồng Quỹ HTND, hồ hởi: "Gia đình tôi trồng và chế biến sắn đã 7 năm. Năm nay, giá sắn cao nên các hộ trồng sắn rất phấn khởi. Với số tiền Quỹ HTND cho vay, tôi sẽ đầu tư xây thêm một lò sấy nữa".
Đang là thời điểm đầu vụ sắn nên hầu hết các hộ trồng sắn ở Mậu Đông đều thiếu tiền mua phân bón, xây lò sấy. Với 3ha đất trồng sắn, chị Nguyễn Thị Cúc (thôn 5) cần gần 100 triệu đồng thuê nhân công, mua phân bón, xây thêm lò sấy để đảm bảo lúc nào cũng đủ lượng sắn cung cấp cho thị trường. "Mấy năm trước, nhà tôi chỉ có 1 lò sấy, vụ nào cũng phải đem sắn đi sấy nhờ nhà khác. Được Quỹ HTND cho vay 30 triệu với lãi suất thấp, tôi sẽ xây thêm lò sấy, năm nay không phải đi sấy nhờ nữa"- chị Cúc cho hay.
Chị Phạm Thị Tiện ở thôn 6 chia sẻ: "Tôi được vay 30 triệu đồng, lãi suất 0,8%/tháng, thời gian vay 18 tháng. Tôi sẽ nỗ lực phát huy hiệu quả của đồng vốn này và sự tin tưởng của các cấp Hội ND".
Xây dựng mô hình liên kết
Theo ông Lưu Xuân Hòa- Chủ tịch Hội ND xã Mậu Đông, xã có 2.810ha đất canh tác, chủ yếu là đất đồi. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với trồng sắn, nên Mậu Đông là xã trọng điểm về trồng và chế biến sắn của huyện Văn Yên. Từ khi các hộ đầu tư trồng và chế biến sắn với quy mô lớn thì số hộ nghèo trong xã đã giảm xuống đáng kể. Việc trồng và chế biến sắn ở Mậu Đông đã và đang hình thành những mô hình liên kết sản xuất và phân công lao động ngày càng rõ.
Ông Lê Văn Thắng (thôn 4) cho biết: "Tôi chung vốn với cậu em thuê thêm đất mở rộng diện tích trồng sắn, đang lúc kẹt tiền thì được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng, mừng quá. Chúng tôi sẽ bàn bạc thống nhất nâng cao liên kết giữa các hộ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh".
Tại xã Mậu Đông, trước khi giải ngân, các hộ được nhận vốn đã thống nhất tập hợp thành nhóm trồng sắn. Mỗi tháng nhóm sinh hoạt 1 lần để trao đổi, hỗ trợ nhau kiến thức, kinh nghiệm trồng và chế biến sắn tươi.
Thăm một số mô hình trồng và chế biến sắn tươi ở Mậu Đông, ông Hoàng Việt Hưng - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Yên Bái đã lưu ý các hộ nhận vốn có trách nhiệm cùng tổ chức hội quản lý, sử dụng vốn có hiệu quả. Làm được vậy sẽ tạo uy tín, góp phần củng cố nền tảng thuận lợi cho phát triển tăng trưởng quỹ, thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
"Mục đích của các dự án cho vay vốn là để xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển ngành nghề, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nông dân" - ông Hưng chia sẻ.
Trang Lê