Đặc biệt, có những hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tìm ra hướng đi cho riêng mình khi chủ động tạo sản phẩm có nhãn hàng riêng, có uy tín và chất lượng cao để phục vụ người tiêu dùng.
HTX giúp thành viên tăng thu 2-3 triệu đồng/ha
HTX Rạch Lọp là một HTX điển hình của xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), chuyên về dịch vụ nông nghiệp, được thành lập tháng 12/2016. Khi mới thành lập, chỉ có 422 thành viên đăng kí tham gia HTX, đến nay HTX đã phát triển được 514 thành viên.
Ông Huỳnh Đặng Khoa, Giám đốc HTX Rạch Lọp cho biết, hoạt động của HTX làm các dịch vụ như bơm tát, khai thác quản lý chợ, bao tiêu sản phẩm đầu ra, cung cấp đầu vào cho các thành viên trong lĩnh vực sản xuất lúa. HTX hoạt động hiệu quả đã đem đến nhiều lợi ích cho các thành viên như: tăng lợi nhuận trên sản phẩm, ổn định được giá cả và tăng thu nhập cho thành viên qua sử dụng dịch vụ.
"Lợi nhuận tăng thêm trong sản xuất lúa so với những người không phải là thành viên của HTX, khoảng chừng 5-7% trên cùng diện tích" – ông Khoa nói và cho biết HTX đang làm các thủ tục để hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo, đặc biệt là khâu đóng gói, đưa ra sản phẩm ra thị trường.
Ông Trương Hữu Trí, Giám đốc HTX Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) cho biết, do diện tích lúa của HTX sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, hữu cơ) nên các doanh nghiệp thường thu mua với giá cao hơn từ 100-200 đồng/kg.
Không chỉ có vậy, do HTX Gò Gòn vay được nguồn vốn đầu tư đầu vào giá thành thấp nên đã đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV cho các thành viên với giá thành thấp và không tính lãi; nhờ đó chi phí giảm từ 2,5-3 triệu đồng/ha.
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX Gò Gòn trở thành 1 trong 57 HTX tiêu biểu toàn quốc và được Sở NN&PTNT tỉnh Long An đầu tư, hỗ trợ xây dựng kho bãi, lò sấy, máy san đất bằng tia laser, máy gặt đập liên hợp… hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững.
Cùng với việc sản xuất hơn 10ha gạo hữu cơ, ông Trương Hữu Trí cho biết, thời gian tới HTX đang triển khai xây dựng thương hiệu gạo tím với diện tích 3-5ha để bán ra thị trường. "Gạo tím có màu tím than, chất lượng chỉ thua gạo ST25 – gạo ngon nhất thế giới. Hiện nay, HTX bán gạo với giá 35.000 đồng/kg, làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu" ông Trí nói.
Nhiều HTX tăng hiệu quả, tăng vốn và thêm thành viên
Thành lập HTX đúng thời điểm khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại ĐBSCL nên hoạt động của HTX Rạch Lọp gặp khá nhiều thuận lợi. Thuận lợi lớn nhất là HTX được thụ hưởng 3 nhân sự có trình độ đại học, cao đẳng về hỗ trợ, giúp đỡ các hoạt động chuyên môn.
"Thí dụ, lĩnh vực kế toán, HTX mà không có kế toán thì tôi chắc chắn là HTX không làm được. Thứ hai, HTX nông nghiệp mà không có kỹ sư nông nghiệp thì làm sao hỗ trợ thành viên và nông dân tại địa phương. Từ sự hỗ trợ này mà niềm tin của các thành viên đối với HTX mới lớn dần, từ đó hoạt động của HTX mới tốt lên" - ông Huỳnh Đặng Khoa, Giám đốc Đối với HTX Rạch Lọp cho biết và kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành nên kéo dài thời gian áp dụng chính sách này.
Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL, đến nay các địa phương đã hỗ trợ thu hút 107 lao động trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc cho HTX nông nghiệp. Ngoài ra, các địa phương đã thực hiện đào tạo bồi dưỡng được 149 lớp với 3.918 lượt người. Nhờ đó, trình độ cán bộ quản lý của HTX thí điểm đã được nâng lên.
Cùng với hỗ trợ về nguồn lực, các địa phương đã hỗ trợ 141 công trình hạ tầng cho các HTX tham gia thí điểm ở với tổng số tiền hơn 165 tỷ đồng. Các hạng mục hỗ trợ gồm: 24 công trình là sân phơi, nhà kho, cửa hàng vật tư nông nghiệp; 24 công trình xưởng sơ chế, chế biến; 31 công trình thủy lợi, giao thông nội đồng; 05 công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản; 39 công trình trụ sở làm việc của HTX và 18 công trình hạ tầng khác.
Nhờ các chính sách hỗ trợ kể trên và sự cố gắng, nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, tính đến cuối năm 2019, có 175 mô hình HTX nông nghiệp tham gia mô hình thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL thì có tới 122 HTX xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hàng năm.
Đáng chú ý, quy mô đất đai, mặt nước của một số HTX thí điểm tăng lên, trong đó có 10 HTX tăng diện tích sản xuất chung và 33 HTX bổ sung thêm diện tích của thành viên. Đến nay, có 87 HTX áp dụng quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng trong sản xuất và 14 HTX áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Sau khi tham gia thí điểm đã có 36 HTX tăng vốn điều lệ và 41 HTX tăng vốn chủ sở hữu.
"Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều"
Trong bối cảnh dịch bệnh tả châu Phi, Covid-19, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ cho các HTX gặp khó khăn. Tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận tín dụng để tái sản xuất sau dịch Covid- 19.
Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho điều chủ nông gia Việt Nam vào ngày 11/4/1946, Người căn dặn: "Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn.
Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có HTX.
HTX là gì? Nói tóm lại, HTX là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều".
Để nghi nhớ điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 11/4 hàng năm được coi là ngày kỷ niệm thành lập của các HTX nông nghiệp. Tính đến cuối năm 2019, cả nước có 15.363 HTX, tăng 3.226 HTX so với thời điểm cuối năm 2017.
Số HTX hoạt động đánh giá đạt hiệu quả ước đạt tỷ lệ 65%, có 1.163 HTX ứng dụng công nghệ cao (chiếm 7,56%), 3.130 HTX thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp (chiếm 20,4%).