Dân Việt

Thu hồi đất lâm trường ít hiệu quả giao cho dân

16/03/2012 17:32 GMT+7
(Dân Việt) - Theo thống kê, hiện các nông, lâm trường quốc doanh (NLTQD) nước ta đang chiếm diện tích đến 3,4 triệu ha rừng. Tuy nhiên, hoạt động của các NLT này đang rất kém hiệu quả, nhiều diện tích bỏ hoang.

Về vấn đề này, NTNN đã trao đổi với ông Hà Công Tuấn - Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT).

img
Nhiều khu rừng do các nông lâm trường quản lý đang bị rút ruột (Chụp tại rừng thuộc xã Mường Lang, Phù Yên, Sơn La).

Thưa ông, các NLTQD đang giữ rất nhiều đất, nhưng làm ăn không hiệu quả, ngược lại người dân muốn có đất sản xuất lại không có. Vấn đề này, Bộ NNPTNT sẽ giải quyết ra sao?

- Đúng là có thực tế như trên. Hiện Bộ NNPTNT đang tiến hành tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị và Nghị định 200 của Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới các NLTQD. Song song với quá trình tổng kết, chúng tôi cũng đang xây dựng đề án tái cơ cấu các NLTQD, trong đó tập trung vào việc rà soát, giải quyết quỹ đất đai của các NLT, từ đó tổ chức lại sản xuất của NLT theo hướng chủ yếu làm dịch vụ, gắn với người dân. Đặc biệt, chúng tôi cũng đưa ra chính sách sẽ đẩy mạnh việc giao khoán và thu hồi diện tích đất do các NLT quản lý, kinh doanh không có hiệu quả để giao lại cho người dân chủ động sản xuất.

Trồng rừng cần rất nhiều vốn, cần thực hiện trong thời gian dài. Một khi thu hồi đất của các NLT để giao lại cho người dân, Nhà nước sẽ có những chính sách gì để hỗ trợ họ?

- Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp là vấn đề lớn và lâu dài. Trước hết, tái cơ cấu là xác định lại lâm phần theo các loại rừng, trên cơ sở đó sẽ hoạch định những chính sách phát triển cho từng loại rừng để nâng cao năng suất, giá trị của rừng. Mặt khác, cần đẩy mạnh khai thác các giá trị phi nông sản, đặc biệt là những giá trị dịch vụ của rừng như cơ chế thực hiện dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ tín chỉ hấp thụ khí CO2…

Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư ngành chế biến và thị trường, tập trung vào sản xuất, đưa lại giá trị cao hơn. Các giải pháp trên phải đồng bộ về công nghệ, thị trường, giá cả cùng những giải pháp lâm học để đảm bảo tìm ra điểm giao giữa các yếu tố này hướng đến nâng cao giá trị của rừng.

Thực tế, đời sống người trồng rừng hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Vậy làm thế nào để người dân có thể sống được bằng nghề rừng một cách bền vững, thưa ông?

- Hiện Chính phủ có rất nhiều chính sách như xoá đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững tại các huyện nghèo, vốn vay ưu đãi cho hộ nông dân… Vấn đề quan trọng là lồng ghép tốt hơn các chính sách, chương trình dự án này.

Trong giai đoạn tới sẽ thực hiện quyết liệt hơn việc thu phí dịch môi trường rừng từ các doanh nghiệp; xây dựng cơ chế chi trả cho chủ rừng, trong đó có hộ trồng rừng để góp phần cải thiện đời sống. Sau thời gian thí điểm tại Lâm Đồng và Sơn La, nguồn thu từ phí này là 700 tỷ đồng (chưa tính khoản nợ 550 tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực), các địa phương đã thực hiện chi trả hoặc ứng trước cho các hộ nông dân.

img Tình trạng một số dự án, đặc biệt là khu vực miền Trung được lập nên với mục đích khai thác, tận thu gỗ trong rừng đã gây ra nhiều hệ quả xấu. Việc thiếu trách nhiệm của một bộ phận kiểm lâm, cán bộ địa phương cũng kéo đến tình trạng phá rừng. img

Có nhiều ý kiến đề nghị, cần tăng diện tích rừng sản xuất lên để vừa tăng hiệu quả khai thác từ rừng, vừa hạn chế tình trạng phá rừng phòng hộ, đầu nguồn. Trong kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng thời gian tới, chúng ta sẽ có chính sách gì để tăng diện tích rừng sản xuất?

- Trên thực tế, diện tích rừng sản xuất đang ngày càng tăng, nếu 13 năm trước cả nước chỉ có trên 1 triệu ha rừng trồng, thì sau thời gian thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, cả nước đã có thêm 1 triệu ha rừng sản xuất.

Giai đoạn 2011 - 2020, sẽ có thêm 1 triệu ha rừng sản xuất nữa. Ngoài việc tăng diện tích, việc phát triển rừng trồng sẽ thay đổi theo hướng kéo dài chu kỳ trồng rừng. Chu kỳ hiện nay chỉ kéo dài 5-7 năm, với đường kính gỗ khai thác dưới 20cm. Thời gian tới, chúng ta sẽ có biện pháp nâng chu kỳ trồng lên khoảng 10 năm với đường kính gỗ khai thác khoảng 20-30cm; tăng sản lượng gỗ khai thức từ rừng lên đạt 100m3/ha/chu kỳ.

Xin cảm ơn ông!