Dân Việt

Tu Mơ Rông - hồi sinh trên rốn lũ

16/03/2012 15:46 GMT+7
(Dân Việt) - Là một trong những huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn, cơn bão số 9 năm 2009 còn đẩy lùi huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) nghèo thêm một nấc. Nhưng dưới sự chèo lái của Huyện ủy, UBND, Tu Mơ Rông đã vươn lên từ đổ nát…

Đại công trường tái thiết

Dấu tích của trận lũ kinh hoàng vẫn còn đó, nhưng cuộc sống của người dân đã ổn định bởi sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, và đặc biệt là khát vọng vươn lên của một huyện nghèo. Vòng quanh một vài xã, nơi trước đây bị thiệt hại nặng nề sau lũ như Đăk Na, Măng Ri, Đăk Sao… những ngôi nhà xây xinh xắn, đường làng được đổ bê tông sạch sẽ đã thế chỗ cho những đống hoang tàn, đổ nát.

img
Một góc làng định cư ở Tu Mơ Rông được tái thiết sau cơn lũ.

Được như vậy một phần là nhờ vào sự cố gắng không ngừng của lãnh đạo chính quyền địa phương với những những giải pháp thiết thực, hiệu quả…“Chiến tích” đầu tiên phải nói đến là việc di dời thành công 22 ngôi làng bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao ra nơi định cư mới. Cùng với đó là lồng ghép các chương trình để xây dựng nhà cho người nghèo theo Dự án 167. Đến nay, 2.485 ngôi nhà thuộc 2 dự án này đã hoàn thành cho dân sử dụng…

Ông Vũ Hữu Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông kể cho chúng tôi nghe những lần đi thị sát tìm điểm lập làng cho dân… Có làng phải đi 3 nơi mới được dân đồng ý di dời. Di dời làng nào cũng phải tạo được sự đồng thuận tuyệt đối thì mới tiến hành.

Chính nhờ sự đồng thuận này mà 22 ngôi làng phải di dời, huyện được người dân ủng hộ 100% quỹ đất, tiết kiệm cho ngân sách một khoản tiền lớn. Rồi công tác xóa đói, giảm nghèo cũng có những cách làm hay. Để khuyến khích tinh thần tự lực của những hộ nghèo, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, những hộ thoát nghèo được huyện hỗ trợ 5 triệu đồng. Kinh phí này được trích từ nguồn tiết kiệm chi tiêu của huyện. Năm 2011, huyện có 549 hộ thoát nghèo, ngân sách huyện đã cấp ngay cho những hộ này số tiền hơn 2,7 tỷ đồng…

Chung tay xây dựng NTM

Huyện nghèo, để thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng NTM, Tu Mơ Rông chủ trương đi bằng những bước thích hợp. Một trong những giải pháp mang tính quyết định là tập trung mọi nguồn lực, trong đó vai trò của các đơn vị kinh doanh, sản xuất trên địa bàn huyện giữ vai trò then chốt.

Với những biện pháp khuyến khích và nuôi dưỡng nguồn thu, ngân sách huyện đã có những tăng trưởng vượt bậc. Nếu như năm 2005 thu ngân sách nhà nước huyện chỉ đạt 135 triệu đồng thì năm 2011 con số này là 12 tỷ đồng; năm nay chỉ tiêu được giao là 14,4 tỷ đồng nhưng huyện đang phấn đấu thu vượt để có kinh phí đầu tư xây dựng NTM và phục vụ an sinh xã hội trên địa bàn.

Sau hơn 3 năm trở lại Tu Mơ Rông - nơi cơn bão số 9 (2009) quét qua khiến 22 ngôi làng của huyện trở thành đống đổ nát. Trung tâm huyện phải di chuyển và đang trong quá trình tái thiết. Khắp nơi ngổn ngang gạch vữa, bụi mù mịt như một đại công trường…

Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2012, thu ngân sách nhà nước đã đạt trên 3,6 tỷ đồng. Một giải pháp khác ngoài tăng nguồn thu là việc khuyến khích các hộ gia đình hướng mạnh vào việc sản xuất tạo hàng hóa để tăng thu nhập. Huyện đã tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng, tiến hành hỗ trợ cây, con giống cho các hộ gia đình.

Đặc biệt với lợi thế của một vùng đất nổi tiếng về cây dược liệu, UBND huyện đang khuyến khích người dân đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm, Ngũ vị tử, Sơn trà…và đã cho kết quả khả quan. Riêng Sơn trà, huyện đang tiến hành khảo sát, quy hoạch để khoanh vùng bảo vệ và khai thác...

Với những cố gắng không mệt mỏi của lãnh đạo chính quyền địa phương và khát vọng vươn lên của người dân để xây dựng NTM, huyện Tu Mơ Rông đang từng bước vượt qua bóng tối đói nghèo để xây dựng một huyện miền núi kiểu mẫu của tỉnh Kon Tum và cả nước…