HTX Thủy sản Thới An tại quận Ô Môn, TP.Cần Thơ có 36 xã viên, diện tích mặt nước nuôi cá tra rộng khoảng 30ha. Nhiều năm nay, HTX Thới An hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương để nuôi cá tra. Theo đó, Công ty Hùng Vương đầu tư thức ăn thủy sản (TATS) với định mức 1,6kg thức ăn (độ đạm của thức ăn theo từng độ tuổi của cá) cho 1kg cá thương phẩm. Ngoài ra, công ty cũng khoán HTX tự đầu tư con giống, thuốc men, các chế phẩm sinh học cần thiết và công nuôi với mức giá 5.000 đồng/kg cá thành phẩm.
Nông dân An Giang thu hoạch cá tra. |
“Nếu có tay nghề nuôi tốt, tỷ lệ cá sống khỏe cao, hao hụt thức ăn thấp… nông dân có thể thu lãi được khoảng 1.000 đồng/kg cá nhờ tiết kiệm vốn đầu tư” - ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An cho biết.
Lệ thuộc doanh nghiệp
Tuy nhiên, theo ông Hải, mức lãi 1.000 đồng/kg nông dân thu được sau 7 tháng trời chăm sóc cá tra cũng rất mong manh. Đặc biệt, trong trường hợp DN trả tiền thu mua cá trễ, người nông dân sẽ trắng tay, thậm chí âm nợ. “Hầu hết các hợp đồng thu mua cá hiện nay nhanh lắm cũng phải sau 6 tháng mới được phía DN thanh toán. Lúc đó, nông dân lỗ nặng do phải gánh thêm phần lãi suất ngân hàng” - ông Hải phân tích.
Tại các tỉnh như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, An Giang… nhiều nông dân cũng băn khoăn vì không đủ sức để đầu tư nuôi cá tới khi xuất lứa, phải hợp tác với DN.
“Bị thua lỗ mấy vụ, hết vốn nên tui phải đi nuôi gia công cho nhà máy. Sau 7 tháng trời cũng chỉ được vài trăm đồng/kg mà phải lệ thuộc nhà máy, đôi lúc gặp bệnh, không đủ cá để giao, thành ra mình mất uy tín” - ông Lê Văn Việt (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, Đồng Tháp), người có 5ha cá tra nuôi gia công cho một DN tại đây cho biết.
Nông dân ở kèo dưới
Ông Nguyễn Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) cho biết, ĐBSCL hiện có 2 hình thức hợp tác nuôi cá tra giữa DN và bà con nông dân.
Thứ nhất, DN giao nguyên liệu, nhận thành phẩm. Ở hình thức này, DN đầu tư cho nông dân số vốn từ 3.300 – 5.000 đồng/kg cá thành phẩm tùy từng DN. Số tiền này người dân tự mua con giống, thức ăn, thuốc men, trả tiền điện, nước và thuê nhân công khi cần thiết. Ngoài ra, DN cũng sẽ cung cấp cho người nuôi lượng TATS khoảng 1,6kg/kg cá. Đây là hình thức được nhiều người nông dân lựa chọn do chi phí đầu tư ít, việc bị DN “xù” tiền khi mua cá cũng ít xảy ra. “Tuy nhiên, mức lợi nhuận của nông dân rất thấp so với lợi nhuận của DN, chưa kể những rủi ro trong quá trình nuôi, nông dân phải chịu hết” - ông Bình phân tích.
Ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An
Theo tính toán của ông Bình, lượng TATS DN cung cấp cho nông dân có giá khoảng 16.000 đồng, cộng với mức khoán 5.000 đồng tiền giống, thuốc, công nuôi… chỉ mới 21.000 đồng. Như vậy, với mức giá cá tra hiện nay, khoảng 25.000 đồng/kg, DN thu lãi hơn 4.000 đồng/kg.
“Hiệp hội đã nhiều lần thương lượng với các DN để họ tăng mức khoán lên nhằm tăng thêm lợi nhuận cho nông dân. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa đi tới đâu” - ông Bình cho biết.
Hình thức hợp tác thứ 2 là DN chọn những người nuôi có năng lực nhưng thiếu vốn ở giai đoạn cuối để hợp tác. Theo đó, người nuôi phải lo từ con giống, ao nuôi, đến khi cá đạt trọng lượng từ 0,5kg trở lên, DN tiếp sức nông dân bằng cách đầu tư thức ăn cho cá. Giá cả thu mua được tính theo giá thị trường.
“Dù ở hình thức nào thì nông dân cũng là người ở “kèo dưới”, phải chịu nhiều rủi ro như dịch bệnh, hao hụt trong ao nuôi. Nhưng nếu không hợp tác thì cũng chỉ có nước treo ao vì không đủ vốn” - ông Hải than thở.
Thuận Hải