Nhiều chính sách hỗ trợ
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế đã chính thức công bố Quyết định 14/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, và đề nghị các bệnh viện (BV) nhanh chóng triển khai.
Nhiều bệnh viện Hà Nội đang trong tình trạng quá tải. |
Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện nay đã có nhiều chính sách ưu tiên khám chữa bệnh cho người nghèo như cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, người nghèo chỉ phải đồng chi trả 5% viện phí. Tuy nhiên, đối với nhiều bệnh hiểm nghèo như chạy thận, mổ tim, ung thư, chi phí rất lớn, người nghèo cũng không đủ tiền để trả. Hơn nữa, họ không có tiền đi lại nên cũng không có khả năng lên BV chuyên khoa để khám, không có tiền ăn nên chế độ dinh dưỡng kém, sức khỏe càng yếu, việc điều trị càng khó khăn”.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, theo Quyết định 14 ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền đi về cho bệnh nhân (0,2 lít xăng/km) và chi phí cầu phà (nếu có); cung cấp bữa ăn miễn phí (tại bệnh viện); hỗ trợ 95% chi phí khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế (khoản tiền 5% viện phí cũng sẽ được thanh toán lại cho bệnh nhân nhờ các quỹ khám chữa bệnh dành cho người nghèo).
Các đối tượng được hưởng chế độ này là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn, người thuộc diện được hưởng trợ cấp, người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ của Nhà nước, người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí.
Có mặt tại hội nghị, lãnh đạo nhiều BV bày tỏ lo lắng về việc Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo chưa có, trước mắt sẽ lấy khoản nào để thực hiện Quyết định 14. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định Quỹ Khám chữa bệnh dành cho người nghèo sẽ do UBND xây dựng, duy trì và phát triển dựa trên việc phân bổ ngân sách, đồng thời huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Trước mắt vẫn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân
Nỗ lực giảm tải bệnh viện
Về vấn đề giảm tải bệnh viện, Bộ trưởng Kim Tiến nhấn mạnh các BV phải thực hiện phân tuyến kỹ thuật để tránh bệnh nhân vượt tuyến, giảm quá tải cho BV tuyến trên. Nếu BV vệ tinh mà chuyển tuyến bừa bãi thì BV T.Ư cần kiên quyết không nhận, trừ trường hợp tai nạn, cấp cứu.
Minh Nguyệt
Năm 2011, các BV đã khám và điều trị ngoại trú cho hơn 68,6 triệu lượt người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 52,9% tổng số lượt khám, tăng 116% so với năm 2010. Các con số cho thấy, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao. Nhiều BV tuyến T.Ư có công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 150%, cá biệt BV K đạt gần 242%. Điều đó đặt gánh nặng lên vai ngành y tế, khiến cho chất lượng khám chữa bệnh bị giảm sút.
Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, để giảm quá tải, BV đã có nhiều biện pháp để tăng giường bệnh như đề án xây Trung tâm U bướu và tim mạch trẻ em 21 tầng, xây nhà 9 tầng ở khu cấp cứu khoa Truyền nhiễm, kê thêm giường ở một số khoa. Khi các dự án hoàn thành, BV sẽ có thêm hơn 1.000 giường. Ngoài ra, BV cũng tăng cường triển khai Đề án 1816 cử bác sĩ giỏi về “cầm tay chỉ việc” cho các bác sĩ tỉnh, huyện, mở lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật khám chữa bệnh…
Diệu Linh