Dân Việt

Nông dân nuôi cá thắng kiện công ty của đại gia thủy sản

16/03/2012 15:34 GMT+7
Tòa đã tuyên buộc Bianfishco trả cho ông Liền 467 triệu đồng lãi suất chậm trả, trả cho bà Mai 17,7 tỷ đồng (trong đó có khoảng 2 tỷ đồng tiền lãi).

Sáng 16.3, phiên tòa sơ thẩm xử hai nông dân bán cá Nguyễn Văn Liền và Phạm Thị Mai (cùng ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) kiện đòi nợ Bianfishco đã diễn ra như dự kiến. Luật sư Nguyễn Trường Thành đại diện cho nguyên đơn và luật sư Nguyễn Kỳ Việt đại diện của doanh nghiệp đều có mặt tại phiên tòa từ rất sớm.

Trước đó, theo đơn khởi kiện của ông Liền, bà Mai ngày 21.11.2011, hai nông dân yêu cầu Bianfishco thanh toán nợ gốc và nợ lãi theo hai hợp đồng bán cá nguyên liệu lý vào năm 2011, tổng số tiền xấp xỉ 18 tỷ đồng.

img
Hiện công ty Bình An còn nhiều khoản nợ hàng trăm tỷ đồng, trong đó có khoản nợ tiền cá của nông dân.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, sau 13 lần thanh toán theo kiểu “nhỏ giọt”, cuối cùng, ông Liền đã nhận đủ tiền nợ gốc trên 10 tỷ đồng. Cho rằng kiểu trả nợ của Bianfishco đã buộc nông dân phải “gánh” lãi suất trong một thời gian dài nên ông Liền đã khởi kiện bổ sung đòi lãi suất trên 500 triệu đồng, tương đương 1,75%/tháng.

Chủ nợ Phạm Thị Mai cho rằng, hợp đồng bán cá của bà tổng giá trị trên 21 tỷ đồng nhưng đến thời điểm ra tòa thì Bianfishco chỉ mới thanh toán trên 5 tỷ đồng. Việc chậm trả này đã đẩy bà vào tình trạng “treo ao”, giải nghệ nghề nuôi cá và hiện còn mắc nợ trên 10 tỷ đồng. Vì vậy, bà Mai đòi “công bằng” với tổng số nợ gốc và lãi gần 18 tỷ đồng.

Đại diện cho Bianfishcon, luật sư Nguyễn Kỳ Việt cho rằng, doanh nghiệp không chối cãi những gì các nguyên đơn đã khởi kiện. tuy nhiên, theo ông Việt, cần phải đối chiếu lại số liệu cho chính xác. Ông Việt khẳng định: “Chúng tôi đã cung cấp cho tòa nhiều văn bản, chứng từ mà các bên thừa nhận. Con số chính xác Bianfishco còn nợ bà Mai chỉ khoảng trên 13 tỷ đồng”.

Về lãi suất, luật sư Việt cho rằng ông Liền kiện không có cơ sở vì gốc đã trả dứt điểm trước ngày xét xử. Lãi suất chậm trả cho bà Mai, ông Việt yêu cầu tính theo lãi suất cơ bản mà ngân hàng Nhà nước quy định vì “hợp đồng không thỏa thuận lãi suất trong trường hợp chậm trả”.

Ông Việt cũng phủ nhận Biên bản đối chiếu công nợ mà phía nguyên đơn cho rằng là chứng cứ vững chắc để buộc Bianfishco thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Theo ông Việt, biên bản đó lập sau ngày ông được Chủ tịch HĐQT, TGĐ Phạm Thị Diệu Hiền ủy quyền mà không có sự xác nhận của ông là không hợp lệ (?)

Trong phần tuyên án, Hội đồng xét xử cho rằng, bản đối chiếu công nợ ngày 20.1.2012 có con dấu của doanh nghiệp và chữ ký các bên là văn bản có giá trị pháp lý để đòi nợ. Vì vậy, đại diện bị đơn bác bỏ là không có cơ sở.

Do đây là vụ án thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại nên lãi suất phải được tính theo pháp luật kinh doanh thương mại, tương đương 1,75%/tháng là phù hợp, không chấp nhận đề nghị trả lãi suất cơ bản như quan điểm của Bianfishco.

Vì vậy, tòa đã tuyên buộc Bianfishco trả cho ông Liền 467 triệu đồng lãi suất chậm trả, trả cho bà Mai 17,7 tỷ đồng (trong đó có khoảng 2 tỷ đồng tiền lãi). Các nguyên đơn được nhận lại dự phí vì “thắng kiện”, Bianfishco phải đóng án phí theo quy định pháp luật.

Như vậy, với kết quả trên, nông dân nuôi cá đã thắng kiện “đại gia” thủy sản Bình An. Điều này cho thấy, những gì chủ DN Bình An hứa, khác với những gì họ thực hiện.

Còn nhớ, tại cuộc họp báo ngày 7.3.2012, Tổng Giám đốc ủy quyền của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) Trần Văn trí đã nhiều lần khẳng định: ông sẽ không để vụ kiện của 2 nông dân nuôi cá “đòi nợ” Bianfishcon phải nhờ đến pháp luật giải quyết. Vì như vậy, “cả doanh nghiệp và người dân đều thiệt hại”.

Cũng tại buổi họp báo, ông Trí xin lỗi các “chủ nợ nông dân” và hứa sẽ giải quyết dứt điểm nợ nần…Thế nhưng, nông dân đã không còn tin vào những lời hứa đó mà họ cần một bản án có hiệu lực pháp luật để yêu cầu Biafishco thanh toán song phẳng món nợ khó đòi này, nhất là trong thời điểm DN này đang “ôm” khoản nợ cả nghìn tỷ đồng.

Quyền lợi của những người nông dân yếu thế vì vậy phải được phát luật bảo vệ và họ được ưu tiên giải quyết nợ nần.

Theo VietNamNet