“Biết rồi, khổ lắm vẫn phải… nói mãi”
Không phải là vấn đề mới, nhưng lạm thu luôn là một vấn đề nóng mỗi khi đầu năm học mới đến. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
- Chỉ xét dưới góc độ là một công dân, một người ông, người cha từng có con cháu đi học thì tôi đã thấy việc thu phí của các trường vào đầu năm học mới luôn có vấn đề. Vấn đề ấy không chỉ diễn ra một vài năm nay mà đã kéo dài hàng chục năm. Từ các tập thể, cá nhân đến cả Quốc hội, Chính phủ… cũng từng lên tiếng, ngay cả Bộ GDĐT là cơ quan chủ quản có trách nhiệm xử lý, năm nào cũng có văn bản cấm nhưng hiện tượng này không hề giảm.
Để con yên ổn học, nhiều phụ huynh phải chấp nhận đóng góp những khoản bất hợp lý (ảnh minh họa). Viết Thành |
Vậy theo ông, mấu chốt sai phạm dẫn đến vấn nạn lạm thu đầu năm là từ đâu?
- Về chuyện thu, ta không nói đến các khoản thu theo quy định của Bộ GDĐT nói riêng và pháp luật nói chung nữa, cái đáng bàn nhất là những khoản thu ngoài quy định của các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định. Thứ nhất, phải khẳng định đó là thu sai. Còn sai thuộc về ai, chúng ta phải xác định trách nhiệm của người đưa ra chủ trương thu.
Về hình thức thu, có thể là nhà trường hoặc cơ sở giáo dục công bố thu. Tôi cho rằng cách này tuy sai nhưng ít ra còn… đàng hoàng. Cách thứ hai, trường sợ công bố các khoản muốn thu sẽ bị dư luận “ném đá” nên phải núp bóng một lực lượng khác có tên “Ban đại diện cha mẹ học sinh”. Thu “núp bóng” như thế là thủ đoạn, đã sai càng sai hơn.
Ông Đặng Như Lợi
Nói về “Ban đại diện cha mẹ học sinh” đầu năm 2012, Bộ GDĐT có ban hành Điều lệ rất cụ thể về hoạt động thu chi của ban này. Bộ coi đây là “liều thuốc” chống lạm thu. Nhưng thực tế không được như mong muốn, theo ông vì sao?
- Tôi đã nói văn bản pháp luật luôn đầy đủ, không ai phản ứng về những cái thuộc về văn phạm quy phạm pháp luật. Nhưng thực chất các Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn đứng ra thu tiền. Có thể giải thích bởi các lý do sau: Thứ nhất, họ có thể chung quyền lợi với bên kia (tức nhà trường). Thứ hai, nếu họ không làm thì con họ sẽ bị đối xử tệ nên họ bắt buộc phải làm.
Thứ ba, những người đó là những người có điều kiện kinh tế khá giả, chuyện đóng góp đối với họ không đáng để bàn đến việc ít hay nhiều. Tuy nhiên, dù ở khía cạnh nào thì họ cũng đang làm sai chức năng và nhiệm vụ của mình, không đứng về phía số đông mà họ cần đại diện.
Nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh đã không làm đúng chức năng của mình, thì việc tồn tại Ban này có cần thiết?
- Điều này, cần phải đối chiếu với các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đó. Nhưng theo tôi, nếu cái nào chưa đúng thì phải sửa, không sửa được thì phải xoá. Điều đó là cần thiết cho một sự tồn tại hợp lý nhất.
Có những khoản thu rất nặng như điều hòa, máy chiếu năm nào cũng phải mua và thay mới, đấy có phải là sự lãng phí mà ngành GD phải tính lại không, thưa ông?
- Vâng, có lẽ đó không phải chỉ là một cái máy chiếu, máy điều hòa, mà còn là nhiều cái khác nữa ta khó có thể liệt kê được. Điều đa số phụ huynh quan tâm nhất theo tôi không phải là số tiền mà là số tiền đó được sử dụng như thế nào. Hiện tại, việc giám sát thu chi trong trường, thực trạng vận hành, tu sửa, bảo trì các vận dụng phụ huynh phải tự bỏ tiền ra mua vẫn đang bị bỏ ngỏ. Khoảng trống này đã gây nên lãng phí rất lớn cho xã hội mà người chịu trận là các phụ huynh.
Nói thì dễ, làm thì khó
Vậy theo ông có giải pháp nào giải quyết triệt để nạn lạm thu tiền trường?
- Theo tôi, cơ quan quản lý các cấp, đặc biệt là ngành GD cần có đường dây nóng, hộp thư nhận phản ánh mà không cần phải nêu tên cụ thể, để lấy ý kiến của các bậc cha mẹ phụ huynh về các khoản thu bất hợp lý, hình thức thu chưa ổn. Mặt khác, mặt trận và các đoàn thể cần phải vào cuộc, tập hợp ý kiến để xử lý giám sát. Thông qua việc chất vấn các cấp để làm rõ những khoản thu đúng sai, từ đó có các hình thức xử lý theo đúng quy định về luật hành chính. Tuy nhiên, việc thực hiện luật pháp này nói thì dễ mà làm thì rất khó.
Trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ GDĐT. Các động thái giải quyết của Bộ này đã hợp lý?
- Theo tôi, lỗi trước tiên phải là lỗi của cơ quan quản lý các cấp và chính quyền cấp ủy địa phương. Bởi lẽ, đây là chuyện thi hành pháp luật chứ không phải chỉ là chuyện riêng của ngành GD. Chính quyền cần đề nghị ngành giáo dục địa phương giải thích tại sao lại có việc đó?
Có đúng là có chuyện thành kiến với những người đã không chấp hành đóng khoản thu ngoài văn bản quy phạm pháp luật không? Kế tiếp là trách nhiệm trực tiếp của ngành GD, từ trên xuống dưới. Tôi nghĩ, cả một bộ phận lãnh đạo từ trên xuống dưới, cả một guồng máy với tập trung trí tuệ và những người học hành cao nhất thì đương nhiên việc tìm ra giải pháp ngăn chặn lạm thu là không hề khó. Vấn đề là họ có muốn làm hay có muốn làm triệt để không?
Một trong những biện pháp mà nhiều người đề xuất để giải quyết vấn nạn này là tăng học phí. Ông nghĩ sao?
- Theo tôi, không được hạch toán phần thu học phí vào ngân sách chung của ngành GD. Bởi lẽ, riêng ngân sách nhà nước chi cho GD hàng năm đã chiếm 20% tổng ngân sách chi hàng năm, lớn nhất trong các ngành.
Cộng với học phí gọi là cái xã hội hóa. Vậy lấy 20% ngân sách để cân đo so với những việc mà anh đã làm được thì đã được bao nhiêu? Đã chi tốt, chi đúng chưa? Còn nếu tăng học phí và chỉ dựa vào học phí liệu anh có đảm bảo được chất lượng. Hay đó chỉ là cái cớ để hình để thành ra các khoản thu dịch vụ trong đào tạo?
Xin cảm ơn ông!
Tùng Anh - Minh Nguyệt