Dân Việt

Con dâu đi lao động Đài Loan, gia đình tan nát

22/08/2012 17:16 GMT+7
(Dân Việt) - Bà chắt chiu từng đồng bạc rồi lại vay mượn để hùn vào cho con dâu đi xuất khẩu lao động, mong đổi đời. Nhưng chẳng bao lâu sau, cô con dâu đùng đùng về nước đòi ly dị chồng, bỏ con thơ để... theo trai lạ.

Chán chường anh con trai bà cũng bỏ nhà, bỏ mẹ, bỏ con thơ vào Nam kiếm tìm người đàn bà khác. Vậy là bà lão Nguyễn Thị Hùng ở Giang Sơn Đông, Đô Lương, Nghệ An bao năm nay phải lặn lội thân già nuôi cháu nhỏ. Bà bảo rằng dù mình đã 80 tuổi rồi những vẫn sẽ còn khổ đến lúc nào nhắm mắt mới thôi.

img
Trong ngôi nhà của bà chẳng có vật dụng gì đáng tiền

Con dâu vô lương tâm

Bà Hùng năm nay đã 80, cái tuổi mà theo lẽ thường đã được an nhàn tuổi già, sum vầy với con cháu. Thế nhưng, cảnh đời nhiều khi thật nghiệt ngã. Đã vào tuổi này, nhưng bao nỗi khó khăn, vất vả, bao nỗi đau vẫn ngày ngày đeo bám, không buông tha bà.

Từ lúc con cái có gia đình riêng, mỗi người một nơi, Nam có, Bắc có. Bà Hùng ở lại quê nhà xứ Nghệ nghèo khó với vợ chồng anh Nguyễn Văn Phú, là con trai út cùng đứa cháu nhỏ. Gia đình vốn nghèo, hai vợ chồng Phú lại còn trẻ khỏe, nên có con chưa được bao lâu, cả nhà bàn tính rồi hùn vốn cho cô con dâu tên Chung đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan.

Ông Phan Sỹ Long, trưởng thôn Đông Sơn, Giang Sơn Đông, Đô Lương, Nghệ An, nơi bà Hùng sinh sống cho biết: “Chương trình xuất khẩu lao động đã mang lại nhiều thay đổi cho nhiều hộ dân trong vùng; nhưng với hoàn cảnh của bà Hùng thì nó thật trớ trêu. Chúng tôi cũng cố gắng tạo điều kiện để giúp đỡ hai bà cháu trong nhiều hoàn cảnh, song tất cả cũng chỉ nằm trong những giới hạn nhất định. Việc thay đổi cuộc sống của hai bà cháu thì điều quyết định nằm ở những thành viên trong gia đình”.

“Đấy, đến cái nhà mấy mẹ con ở cũng xập xệ, nên vốn chủ yếu là vay mượn của họ hàng, người quen, số còn lại là vay ngân hàng. Nghĩ cũng khổ cho tụi nó, vợ chồng mới lấy nhau chưa được bao lâu đã phải xa nhau đi làm ăn, nhưng để có ít vốn sau này cho chúng nó, thì xuất khẩu lao động xem ra cũng là một con đường hay”, bà Hùng chia sẻ.

Thời gian đầu, chị Chung thường xuyên gọi điện về nhà, hỏi thăm sức khỏe của mẹ, của con, hai vợ chồng vẫn rất thân thiết. Nhưng rồi cũng không hiểu vì lý do gì, mà chỉ sau một năm, chị Chung đột ngột về nước và đưa ra quyết định ly hôn. Quyết định này khiến tất cả mọi người đều cảm thấy kinh ngạc, nhưng dẫu gia đình có can ngăn như thế nào cũng không được. Thế rồi hai vợ chồng ly hôn nhau, đứa con thì vẫn ở với bà và bố.

Nói đến đây, bà không ngăn nổi những dòng nước mắt của mình: “Tôi già cả rồi cũng không biết hết lý do, chỉ nghe mấy người cùng đi làm ăn với nó kháo nhau là nó về ly hôn chồng để lấy một ông nào đó ở bên Đài Loan. Nghĩ mà thấy xót xa!”.

img
Em Nguyễn Văn Phong (đi trước) đang phải làm công việc của người lớn

Xong hết các thủ tục, chị Chung ra đi, để lại đứa con còn thơ dại. Tính đến nay cũng đã được hơn bảy năm rồi, chị vẫn không mảy may một lời hỏi thăm; cũng không ai biết tung tích của chị, không biết chị đang làm gì và ở đâu.

Cách đây 3 năm, anh Phú cũng lấy vợ khác. Hai vợ chồng cưới xong là đưa nhau vào Tây nguyên làm ăn. “Rồi chúng nó gọi điện về và bảo ở trong đó luôn, không về quê nữa. Giờ chúng nó có đất có nhà trong kia rồi, cũng đã có thêm một đứa con nữa, một thân hai mang. Nó cũng khổ lắm!”.

Sao Nỡ vứt bỏ đứa cháu thơ dại

Vào Nam lập nghiệp, lại một tay nuôi hai gia đình, số tiền mà anh Phú gửi về cho hai bà cháu là vô cùng ít ỏi. Thành thử hai bà cháu sống cảnh rau cháo nuôi nhau; ngọn rau, ngọn cỏ nhặt được trong vườn, ngày ngày để qua bữa.

Bà Hùng xót xa: “Nhìn cháu người ta tuổi này được đi chơi, có cha mẹ ngày ngày chăm cho từng bữa cơm, còn cháu mình đội mưa, rong từ cánh đồng này qua cánh đồng khác nhặt từng củ lạc sót lại trên ruộng của nhà người mà cảm thấy nghẹn đắng trong lòng”. Phong, đứa cháu của bà, da dẻ đen nhẻm vì cháy nắng. Còn đang ở tuổi ăn, tuổi lớn, nhưng dường như những nỗi cơ cực của cuộc đời đã sớm in dấu lên thân người bé nhỏ của cậu, cậu bé còi cọc hơn nhiều so với những bạn bè đồng trang lứa.

“Nghĩ mà đau, mà buồn lắm, con cái đâu phải ít, nhưng giờ đây, đến cái tuổi tám mươi, tôi vẫn phải sống cảnh một mình nuôi đứa cháu còn non dại. Vì gia cảnh nghèo khó mà cố dồn tiền cho chúng đi làm ăn, thế rồi ai ngờ ra cơ sự này, để giờ đây, ngôi nhà chỉ còn lại hai bà cháu, thật là quạnh vắng lắm…”. Cùng với những tâm sự ấy là những giọt nước mắt khó nhọc trên gương mặt của bà cụ tưởng chừng như đã nếm đủ mùi đời.

Thế mà cũng đã mấy năm rồi, hai bà cháu vẫn qua ngày. Bà nói rằng: “Ngày bình thường thì cũng không sao, rồi qua cả, nhưng chỉ khổ những ngày trái gió trở trời, bà thì ốm, mà cháu thì quá dại, cô dì chú bác của nó, ai cũng ở xa cả. Những lúc như thế, tôi cũng chỉ biết khóc mà thôi...".

Nhìn vào đứa cháu đang ngủ, bà Hùng khẽ thở dài. “Năm mẹ nó ra đi, thằng bé còn chưa đi học, giờ đã lên lớp 6. Có những lần nó hỏi về mẹ, mà tôi cảm thấy nghẹn lòng, không biết nói sao. Nó còn dại, nhưng nỗi đau và sự thiếu thốn tình cảm của người mẹ thì thằng bé đã ít nhiều cảm nhận được rồi”.

Chuyện đời của bà Hùng mà chúng tôi viết trên chắc chắn là một chuyện buồn của thời hậu xuất khẩu lao động. Đó là tiếng chuông cảnh báo cho lối sống tha hóa, ích kỷ của những người sau khi thoát ly khỏi lũy tre làng.

Theo Thế Giới & Hội Nhập