Dân Việt

Nâng cao vai trò của Hội trong xây dựng nông thôn mới

17/03/2012 06:36 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm qua (16.3) tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các thành viên Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ và lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN).

Tại buổi làm việc, 11 nhóm kiến nghị, đề xuất của T.Ư Hội NDVN đã được Thủ tướng cơ bản nhất trí và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện.

img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc.

Nông dân làm nên kỳ tích

Tại buổi làm việc, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường đã báo cáo tóm tắt tình hình ND và công tác tổ chức, bộ máy, hoạt động của Hội NDVN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả mà Hội NDVN đã đạt được, đặc biệt là việc chỉ đạo có hiệu quả các phong trào nông dân (ND), nhất là phong trào ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo.

Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, nhưng năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, Việt Nam vẫn đạt được nhiều mục tiêu về kinh tế-xã hội. Năm 2011 là năm thành công của sản xuất nông nghiệp với việc tăng 2 triệu tấn lương thực; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt tới 25 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nông nghiệp vẫn là một trong những cứu cánh của nền kinh tế trong khó khăn, thử thách, góp phần tạo cơ sở vững chắc để Chính phủ tiếp tục duy trì, tăng cường đảm bảo các chương trình an sinh xã hội, nhất là cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo...

img Ngành nông nghiệp, giai cấp nông dân và Hội Nông dân đã có những đóng góp vào thành tựu chung của đất nước... img

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

“Ngành nông nghiệp, giai cấp ND và Hội ND đã có những đóng góp vào thành tựu chung của đất nước... Hoạt động của Hội ND đã góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự an toàn khu vực nông thôn”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định. ‘

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, đời sống của một bộ phận không nhỏ ND vẫn còn khó khăn, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị - nông thôn, giữa các vùng nông thôn với nhau vẫn chưa được thu hẹp, hộ nghèo vẫn tập trung ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để giải quyết những khó khăn hiện nay của nông nghiệp, ND, nông thôn, Thủ tướng khẳng định, Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư kinh tế hạ tầng; xây dựng, bổ sung hệ thống chính sách hỗ trợ trong đó tập trung cho phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Về trọng tâm công tác phối hợp giữa Chính phủ và Hội NDVN, Thủ tướng yêu cầu, Hội cần chủ động trong việc nghiên cứu, kiến nghị đề xuất xây dựng chính sách cho ND. Có những đề xuất chính sách do Hội chủ trì, có chính sách, đề xuất do các bộ, ngành chủ trì, còn Hội tham gia.

Những kiến nghị, đề xuất của Hội phải cụ thể, thiết thực, ví dụ chính sách hỗ trợ đối với người ND sản xuất lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hạt tiêu; chính sách giữ đất lúa... Hội cũng cần nắm bắt về chính sách nhà ở, học hành cho con em ND và đề xuất hướng giải quyết...

Nhất trí với 11 nhóm kiến nghị

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản nhất trí với 11 nhóm kiến nghị đề xuất của Hội NDVN. Các kiến nghị về cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch vùng sản xuất; tiêu thụ nông sản; xúc tiến thương mại; thành lập quỹ hỗ trợ ND sản xuất lúa gạo; quỹ hỗ trợ rủi ro; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; đưa thông tin đến với ND... Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phối hợp với Hội ND nghiên cứu, giải quyết.

Về lĩnh vực đất đai, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đang chuẩn bị trình Hội nghị T.Ư 5 tới đây dự thảo Luật Đất đai sửa đổi theo hướng bỏ thời hạn giao đất, xây dựng cơ chế chặt chẽ về việc chuyển quyền sử dụng đất; quản lý hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất; có cơ chế chính sách giải quyết thoả đáng, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất trong thu hồi đất đai. Chính phủ quản lý chặt chẽ diện tích đất lúa, những địa phương nào chuyển đất lúa sang mục đích khác từ 2ha phải báo cáo trực tiếp và xin ý kiến Thủ tướng...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý với việc rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ cấp vốn đầu tư để Hội ND xây dựng, hoàn thành hệ thống các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND thuộc Hội ND cấp tỉnh, thành phố từ 3-5 năm thay vì 10 năm như Quyết định 673; xem xét chuyển một số chương trình hỗ trợ từ gián tiếp sang trực tiếp cho ND; xem xét, bổ sung cơ chế, chính sách để Hội NDVN trực tiếp tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015...

Đồng ý với kiến nghị của Hội NDVN, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 41 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, đưa thêm đối tượng được thụ hưởng gồm các hộ ND thuộc các phường, thị trấn có sản xuất nông nghiệp; vay vốn không phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“ND là người trả nợ tốt nhất cho ngân hàng. Chỉ có mấy ông “tay không bắt giặc” mới nợ vốn ngân hàng, mới vỡ nợ” - Thủ tướng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa: Đưa Hội tham gia phát triển thương mại nông thôn

Quyết định 72 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia không đề cập đến Hội NDVN. Hiện nay, chương trình đang tiến hành thí điểm ở 5 tỉnh và đã có 2 tỉnh An Giang và Bắc Giang tổng kết. Với mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và vật tư nông nghiệp đang tiến hành ở đây, hỗ trợ của Nhà nước không nhiều mà quan trọng là vai trò của doanh nghiệp. Nếu Thủ tướng có ý kiến quyết định, trong thời gian tới, chúng tôi đưa Hội NDVN tham gia vào chương trình này...

Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Nguyễn Quân: Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu

Bộ Khoa học - Công nghệ tiếp tục chủ trì thực hiện chương trình đưa tiến bộ KHKT về khu vực nông thôn miền núi giai đoạn 3. Hội NDVN tiếp tục là thành viên tham gia Ban chỉ đạo của chương trình. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang thực hiện 2 chương trình khác liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn là chương trình sản phẩm quốc gia và chương trình hỗ trợ phát triển trí tuệ của doanh nghiệp. Các chương trình này đều hướng tới việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, trong đó có một số nông sản... Thực tế cho thấy, các nông sản đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý giá trị tăng từ 1,5-2 lần như tỏi Lý Sơn, vải thiều Lục Ngạn, cam Vinh...

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu: Tăng cường giúp ND vùng biên giới, hải đảo

Về đề xuất, kiến nghị của Hội NDVN trong việc có cơ chế chính sách đặc thù vùng biên giới, hải đảo, hiện Bộ NNPTNT đang phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ xây dựng đề án. Đề án này sẽ điều chỉnh, bổ sung một số chính sách hỗ trợ ND biên giới, hải đảo yên tâm phát triển sản xuất, bám biển, giữ vững an ninh vùng biên...