Dân Việt

Cần có các trung tâm thông tin cho nông dân

19/03/2012 08:50 GMT+7
(Dân Việt) - Công ty ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco, Cần Thơ) đang nợ nần, mất khả năng thanh toán hàng nghìn tỷ đồng khiến những nông dân bán cá cho doanh nghiệp này không còn vốn để đầu tư cho vụ mới và cuộc sống của họ rơi vào khó khăn.

Nhìn rộng ra, có rất nhiều nông dân cũng gặp hoàn cảnh rủi ro tương tự. Vậy cần có những chính sách gì để bảo vệ nông dân?

Phóng viên NTNN đã trao đổi với PGS-TS Trần Hoàng Ngân  - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, về chính sách bảo vệ nông dân trước những rủi ro tương tự.

img
Theo ông Ngân, các ngân hàng cần khoanh nợ và cho nông dân nuôi cá vay vốn tiếp để sản xuất.

Qua vụ Bianfishco, ông đánh giá gì về những rủi ro mà nông dân có thể gặp?

- Nông dân chúng ta đa phần là sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, lẻ. Thực tế đó khiến nông dân dễ gặp rủi ro, khó khăn là điều dễ hiểu, một quy luật tất yếu. Nông dân đang đứng trước cả rủi ro đầu vào và đầu ra. Đầu vào thì giá cả luôn biến động như giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu tăng, hiểm họa vật tư nông nghiệp giả... luôn diễn biến khó lường.

Trong khi đó, các giải pháp mà cơ quan chức năng của Nhà nước đưa ra để bình ổn giá phân bón, thuốc trừ sâu... còn thiếu linh hoạt. Còn đầu ra cho sản phẩm của nông dân luôn gặp khó vì họ không thể đem sản phẩm bán trực tiếp cho người tiêu dùng mà phải qua nhiều trung gian, thường bị ép giá, nên sau nhiều năm làm lụng vẫn khó khăn, đói nghèo. Nói cách khác, nông dân chúng ta đang bị “rủi ro kép”.

Để giúp nông dân tránh được những rủi ro như ông nói, Nhà nước nên có chính sách gì?

- Trước hết, chính người nông dân phải biết tự bảo vệ mình bằng cách hãy trở thành "người nông dân chuyên nghiệp". Nông dân cần liên kết lại bằng cách thành lập những hợp tác xã, doanh nghiệp cổ phần... để có thể tạo thành một khối liên kết vững chắc. Chỉ khi nào nông dân biết liên kết thì mới thoát được khỏi khó khăn, thoát "rủi ro kép". Lúc đó, họ mới có đủ sức để đối kháng, tiếng nói có đủ sức mạnh để đàm phán giá cả một cách hợp lý, tránh bị thiệt thòi, tránh bị o ép từ các đối tác mua bán với mình.

Tuy nhiên, nông dân hiện khó có thể tiếp cận thông tin để đánh giá được năng lực của doanh nghiệp khi hợp tác làm ăn, tiêu thụ sản phẩm. Ông nghĩ sao?

- Tôi cho rằng cần tiếp tục nâng cao vai trò của Hội Nông dân lên. Hội Nông dân các cấp nên có bộ phận cung cấp thông tin, tư vấn để bảo vệ nông dân một cách chuyên nghiệp. Bởi, chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp mà với điều kiện và trình độ của nông dân thì họ không thể thẩm định để biết doanh nghiệp nào là tốt hay xấu, mạnh hay yếu.

Do đó, muốn có thông tin thì họ cần được tư vấn thông qua các hiệp hội của mình, mà cụ thể trong trường hợp này là Hội Nông dân, các hội, hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản...

Thậm chí, Hội Nông dân nên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về thương mại, tài chính... cho nông dân để chí ít họ có thể đọc và hiểu được tình hình làm ăn, nợ nần của doanh nghiệp. Từ đó họ có thể tự mình quyết định có nên mua bán với doanh nghiệp đó hay không. Nếu Hội Nông dân làm được việc đó, tôi sẵn sàng tham gia giảng dạy để cung cấp những kiến thức tài chính cơ bản cho nông dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khó khăn nhất của nông dân là không thể tiếp cận thông tin doanh nghiệp có năng lực tài chính thế nào, nợ nần bao nhiêu mà quyết định mua bán với doanh nghiệp đó. Giải quyết tình trạng này có dễ, theo ông?

- Ngân hàng Nhà nước thừa biết doanh nghiệp nào vay bao nhiêu, vay ngân hàng nào và hiện đang nợ bao nhiêu... Tất nhiên, người nông dân thì không thể có được những thông tin đó. Vậy, ai sẽ là người cung cấp thông tin đó cho họ? Hiện, VN chỉ có Trung tâm Cung cấp thông tin tài chính thuộc Ngân hàng Nhà nước và cũng không biết nông dân cần thông tin cụ thể về doanh nghiệp nào để đáp ứng...

Do đó, cần phải lập ra các trung tâm cung cấp thông tin độc lập như nhiều nước đã làm. Lúc đó, thông tin sẽ được mua, bán như hàng hóa. Đó là điều phù hợp quy luật vì hoạt động kinh doanh hiện nay, muốn thành công đều phải dựa vào thông tin.

img Đừng nên nhìn cái vỏ bề ngoài to đẹp, hoành tráng của doanh nghiệp mà nghĩ rằng họ giàu có. Có thể đó chỉ là do họ đang tự “đánh bóng” mình mà thôi. img

PGS-TS Trần Hoàng Ngân

Bản thân Hội Nông dân hoàn toàn có quyền nắm thông tin, cần thiết có thể mua thông tin để cung cấp lại cho nông dân. Nhưng, thông tin đó phải phục vụ đại đa số nông dân chứ không thể phục vụ cho 2- 3 ông, bà nông dân được. Chẳng hạn, ông chủ tịch Hội Nông dân tỉnh hoàn toàn có quyền yêu cầu Cục Thuế, Sở Tài chính... để nắm tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp và sau đó cung cấp lại cho hội viên, nông dân của mình.

Với Bianfishco, nông dân là chủ nợ, nhưng với ngân hàng, đối tác khác thì họ lại là con nợ. Vậy cần giải pháp gì để có thể giúp họ vượt qua khó khăn hiện nay?

- UBND TP.Cần Thơ cần có đề xuất và Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho khoanh nợ đối với nông dân bị Bianfishco nợ. Bởi, chỉ khi được gia hạn trả nợ, thậm chí được cho vay tiếp thì những nông dân này mới có vốn làm ăn tiếp để trả nợ ngân hàng và ổn định cuộc sống của họ.

Xin cảm ơn ông!