Dân Việt

PAPI 2019 : Chỉ số Hà Nội nằm trong nhóm yếu kém nhất

Ngọc Lâm 01/01/1900 00:00 GMT+7
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2019 cho thấy Hà Nội đang nằm ở nhóm yếu kém nhất cùng với Hải Phòng, Khánh Hòa,…

Ngày 28/4, Lễ công bố trực tuyến "Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2019" – PAPI 2019 được tổ chức. Đáng chú ý chính là Hà Nội đang nằm ở nhóm yếu kém nhất cùng với Hải Phòng, Khánh Hòa,…

Cụ thể, với chỉ 41,53 điểm, Hà Nội nằm trong nhóm màu vàng nhạt cùng với một số tỉnh thành như Hải Phòng (41,54 điểm), Khánh Hòa (42,16 điểm), Bắc Ninh (42,08 điểm), Hưng Yên (41,25 điểm),… Đứng cuối bảng là Bình Định (40,84 điểm).

TP.HCM nằm ở nhóm màu xanh lá cây, nhóm khá tốt với 43,79 điểm. Cùng với TP.HCM còn có Thanh Hóa (43,89 điểm), Hậu Giang (44,49 điểm), Bình Dương (43,97 điểm), Đồng Nai (43,94 điểm), Quảng Nam (44,33 điểm), Điện Biên (43,73 điểm),…

img

Hà Nội nằm trong nhóm yếu kém nhất PAPI 2019

Màu xanh da trời là nhóm bao gồm các tỉnh thành có chỉ số PAPI tốt nhất năm 2019. Đứng đầu là Bến Tre với 46,74 điểm. Trong Top 5 còn có Đồng Tháp (46,72 điểm), Quảng Ninh (46,66 điểm), Bắc Giang (46,04 điểm) và TT-Huế (45,86 điểm).

T.S Đặng Hoàng Giang, Nhóm nghiên cứu PAPI 2019 nhấn mạnh Hà Nội nằm trong nhóm yếu kém nhất PAPI 2020 nên cần phải nỗ lực hơn nữa trong cải cách. Ông đánh giá cao Hậu Giang đã rất xuất sắc so với năm 2018.

Một trong những vấn đề được người dân quan tâm nhất được PAPI công bố chính là đói nghèo. Bà Robyn Mudie, Đại sứ Úc tại Việt Nam nhấn mạnh: " Tôi muốn đề cập tới hai vấn đề cuối mà chúng tôi quan sát được từ kết quả của báo cáo năm 2019: một là về yếu tố giới, và một là về nghèo đói".

Bà Caitlin Wiesen, trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) nhấn mạnh 3 điểm: từ năm 2011 đến năm 2019, công tác quản trị cấp tỉnh đã có sự cải thiện đáng kể; các phát hiện của báo cáo PAPI năm 2019 tiếp tục kêu gọi sự quan tâm lâu dài và bền vững đến mỗi liên hệ giữa phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, và bảo vệ môi trường; báo cáo PAPI 2019 chỉ ra rằng việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và thúc đẩy quản trị điện tử cần được ưu tiên trong chương trình đổi mới của chính phủ.

PAPI là nỗ lực hợp tác hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng và UNDP tại Việt Nam từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường trải nghiệm và cảm nhận của người dân thường niên, nhằm mục đích so sánh hiệu quả và chất lượng quản trị, điều hành của bộ máy Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền 63 tỉnh/thành phố, thúc đẩy quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

Kết quả chỉ số PAPI năm 2019 phản ánh sự cải thiện trong tổng điểm trung bình chỉ số PAPI Gốc (gồm sáu chỉ số lĩnh vực nội dung ban đầu) từ 34 điểm năm 2015 lên 37,4 điểm năm 2019. Kết quả này cho thấy những cải thiện đáng kể mà nhiệm kỳ chính quyền các cấp hiện nay (2016-2021) đã và đang làm được.

Người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2019 có xu hướng hài lòng hơn với nỗ lực mạnh mẽ trong đấu tranh chống tham nhũng lớn và tham nhũng vặt ở tất cả các cấp chính quyền. Song, họ vẫn cho rằng tham nhũng là vấn đề đáng quan ngại trong khu vực công. Những nỗ lực trong đơn giản hóa thủ tục hành chính và quy trình xử lý hồ sơ, mở rộng cung ứng dịch vụ công qua mạng Internet vẫn chưa thu hút thêm nhiều người sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương hay giúp người dân hài lòng hơn như mong đợi.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2018 và 2019 đạt mức 7%, mức cao nhất liên tục trong thập niên qua, vẫn có tới gần 25% người dân trả lời khảo sát PAPI tiếp tục cho rằng đói nghèo là mối quan ngại lớn nhất trong năm 2019, và tỉ lệ này duy trì suốt từ năm 2016 đến nay.

Thêm vào đó, vấn đề tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường quay trở lại nhóm ba mối quan ngại hàng đầu của người trả lời khảo sát PAPI trong năm 2019, tương tự kết quả khảo sát năm 2016 sau thảm họa ô nhiễm môi trường biển và cá chết hàng loạt. Người dân cũng nhấn mạnh mong muốn đất nước phát triển bền vững, rất phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.