Tìm đầu ra sau nghiệp thể thao
Từ năm 1996 đến nay, chuyện VĐV “tận dụng” những chuyến tập huấn, thi đấu nước ngoài để rồi ở lại “định cư” đã không còn lạ. Điểm lại, cũng có tới chục VĐV ở môn vật, xe đạp (trong đó có những người từng đoạt HCV SEA Games) trốn ở lại Hàn Quốc, Nga tìm vận may kiếm sống trong những năm 1996, 2002, 2008. Nhưng đằng sau đó là nỗi đau khó nguôi ngoai!
VĐV Nguyễn Phương Đông |
Hơn chục năm qua, Thể thao Việt Nam (TTVN) vẫn tự hào về thành tích thăng tiến trên đấu trường quốc tế, vậy mà VĐV -những người hàng ngày “nằm trong chăn”, biết rõ nhất những mặt được - chưa được của TTVN vẫn lặp lại sai lầm!
Không phải ngẫu nhiên, một “độc cô cầu bại” của môn vật, và hiện đang là HLV cũng tỏ ra khá thản nhiên: “VĐV bỏ trốn ở lại Hàn Quốc, Nga, có người đã trở về, có người vẫn định cư bên đó. Mỗi người một nghề, không theo nghiệp VĐV nữa thì phải tìm cách mưu sinh thôi. Nếu họ trở về Việt Nam, thì cũng liên lạc với anh em, bạn bè thân thiết chứ cũng đâu liên lạc với tôi. Về phần mình, vì phải tập trung cho công tác chuyên môn nên tôi cũng không để ý tới họ nữa”.
Thực tế, chuyện đời sống hầu hết VĐV quá khổ sở và nhọc nhằn ai cũng biết, nhưng giải pháp ra sao lâu nay vẫn chỉ gọi là cho có. Câu chuyện cũ mà mới là sau thất bại của U23 VN tại SEA Games 2005, VĐV đội tuyển đấu kiếm (và cũng đại diện cho khá nhiều võ sĩ) tâm sự: “Nếu có thể, bọn em muốn đánh cho chúng nó nhừ tử. Người thì khổ quá, đứa thì sướng quá nên mới đến nỗi!”. Liệu lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT có nghe thấy tiếng kêu đó không?
"Sẽ không trốn được đâu"
Ông Nguyễn Hải Đường - Trưởng bộ môn Đua thuyền Tổng cục TDTT cho biết: “Ngay sau khi phát hiện sự việc các em bỏ đi ban đêm (hành lý, hộ chiếu, visa đều do Ban huấn luyện giữ), chúng tôi đã báo cáo ngay lên Vụ Hợp tác quốc tế, lãnh đạo Tổng cục TDTT, và phối hợp chặt chẽ với chuyên gia người Australia trong việc tìm kiếm.
Chúng tôi đã tiến hành xác minh gia đình, biết hai em đều có người thân bên Australia. Các em lỡ dại nên trước mắt tiếp tục động viên gia đình khuyên hai em trở về. Nếu mọi việc êm thấm trong thời hạn visa (có thời hạn đến 4.5) thì sẽ kỷ luật theo góc độ đội tuyển. Chứ để quá hạn, trái pháp luật, mọi chuyện sẽ không còn nhỏ nữa”.
Về vụ việc này, ông Lâm Quang Thành - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT phụ trách thể thao thành tích cao cho hay: “Chúng tôi đã xem xét toàn bộ báo cáo mà bộ môn đua thuyền gửi. Theo quy định, sau 1 tuần VĐV chưa trở về nước (chuyến tập huấn kết thúc hôm 11.3), Tổng cục TDTT sẽ có báo cáo gửi Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Australia tại VN… để tiến hành xử lý theo trình tự pháp luật. Tôi nghĩ hai VĐV sẽ không trốn được đâu”.
Lê Đức