Với đề tài “Phân tích so sánh về tác động của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đến vùng ven đô của Hà Nội”, nghiên cứu của ông Nguyễn Văn Sửu (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra rằng, theo quy hoạch từ năm 2000 đến 2010 có 11.000ha đất (trong đó phần lớn là đất nông nghiệp) đã được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp phục vụ cho 1.736 dự án phát triển đô thị và công nghiệp.
Theo ông Sửu, việc chuyển đổi trên sẽ làm mất việc làm truyền thống của ít nhất 150.000 hộ nông dân. Do giá đất tăng cao, phần lớn các hộ gia đình đã bán đất ở lấy tiền xây nhà, mua sắm…
Tương tự Hà Nội, kết quả nghiên cứu của bà Tôn Nữ Quỳnh Trân ở Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển tại vùng ven đô của TP.Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ trong vòng 13 năm (đến 2010), chỉ số đô thị của thành phố này đã tăng lên hơn 12 lần, đưa mức độ đô thị hóa lên 83,18%, nghĩa là cứ 100 người dân ở TP.Hồ Chí Minh thì có 80 người là dân đô thị. Tuy nhiên, việc chuyển dịch này đã khiến nông dân và người làm dịch vụ cho nghề nông chịu tác động lớn, họ phải đương đầu với sự chuyển dịch về nghề nghiệp mà chưa được chuẩn bị trước.
Do đó, bà Quỳnh Trân cho rằng: “Chúng ta cần giảm bớt tính tự phát trong vùng đô thị hóa nhanh. Đồng thời, thiết lập một chương trình dài hạn (5-10 năm), liên tục giám sát và hướng dẫn về xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội và phát triển con người ở các cấp độ vùng ven, cộng đồng và gia đình”.
Chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch đô thị trong quá trình đô thị hoá, ông Christian Jacob - nguyên Chủ tịch Ủy ban Phát triển bền vững và Quy hoạch lãnh thổ của Quốc hội Pháp cho rằng: “Khi vùng nông nghiệp bị thu hồi để lấy đất chuyển sang làm công nghiệp và đô thị sẽ nảy sinh nhiều vấn đề rất phức tạp như vấn đề cung cấp lương thực, thực phẩm cho thành phố và việc làm cho người nông dân mất đất… Do vậy, không thể để quy luật của thị trường chi phối quá trình đô thị hoá mà cần có sự điều chỉnh, định hướng của Nhà nước để quá trình đô thị hoá được bền vững”.
Thanh Xuân