Công ty không xin gia hạn visa cho lao động
Theo ông Đào Công Hải, số lao động này sang Malaysia thông qua môi giới lao động phía Việt Nam là Công ty CP Việt Hà (VIHATICO), trụ sở tại TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; công ty môi giới phía Malaysia là Houseproud Asia; còn chủ sử dụng lao động là Công ty Asmana Sdn Bhd (chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh cho các bệnh viện, tòa nhà và khu công cộng ở thủ phủ George Town của bang Penang).
Công nhân Việt Nam liên quan đến vụ việc. Ảnh: The Star |
Mức lương ban đầu của các lao động là 50Rm/ngày (tương đương 1.200 Rm/tháng, bằng khoảng 8,4 triệu đồng). Hợp đồng ban đầu là đưa 100 lao động, nhưng khi xuất cảnh (tháng 6.2010) thì chỉ có 72 người đi, sau đó có 3 người về nước trước hạn, chỉ còn 69 người ở lại. Công ty Asmana đã sắp xếp cho số lao động này và 85 lao động Nepal làm việc tại Công ty Faber.
Theo quy định về xuất nhập cảnh phía bạn, lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia có hợp đồng 3 năm nhưng visa lại gia hạn mỗi năm 1 lần. Vì vậy, tới tháng 8.2011, 69 lao động Việt Nam hết hạn visa, nhưng do các khó khăn về tài chính nên Asmana không thực hiện gia hạn visa cho lao động, không nộp thuế Levi (thuế đánh vào thu nhập của lao động nước ngoài) mà chỉ đóng phí gia hạn đặc biệt (Special Pass) có giá trị 1 tháng.
Cũng trong thời gian này, Chính phủ Malaysia triển khai chương trình rà soát lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại Malaysia. Theo đó, Chính phủ cho các lao động đã hết hạn visa, mất các giấy tờ… ra trình diện để cơ quan chức năng làm thủ tục cho về nước. Sau hạn chót là 31.12.2011, lao động không thực hiện khai báo và về nước sẽ bị tạm giữ (theo quy định của Giai đoạn 5 - Thực thi: Người lao động bị tạm giữ để chờ trục xuất về nước, người lao động phải chịu chi phí vé máy bay và các giấy tờ liên quan).
Tới tháng 2.2012, 3 trong số 69 lao động bị cảnh sát bắt giữ vì visa hết hạn, sau đó cơ quan chức năng đã điều tra và tìm tới Công ty Asmana thì phát hiện hàng trăm lao động trong tình trạng tương tự. Vì lao động không có visa, Công ty Faber không thuê số lao động trên làm việc nữa nên tất cả lao động phải quay về ký túc xá do Công ty Asmana thuê cho ở để chờ gia hạn visa và tìm việc mới.
Tại khu ký túc xá, lao động phải ở trong những khu nhà chật hẹp, phải ăn uống tạm bợ… Ngày 18.3, Cơ quan Quản lý nhập cư Malaysia đã tạm giữ 42 lao động với lý do giấy phép lao động hết hạn.
43 lao động muốn ở lại
Ngày 6.3, Cơ quan quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia và phía Nepal đã làm việc với Công ty Asmana để bàn biện pháp giải quyết, đưa ra phương án: Lao động nào muốn về nước thì cơ quan ngoại giao sẽ hoàn tất giấy tờ; lao động nào muốn ở lại thì Asmana phải chịu trách nhiệm gia hạn visa cho lao động.
Tới ngày 19.3, thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết có 26 lao động muốn về và 43 lao động muốn ở lại. Cục Nhập cư Malaysia đã thông tin cho Cơ quan Nhập cư Penang để đưa người lao động trở lại ký túc xá, yêu cầu chủ sử dụng bố trí nơi ăn ở cho người lao động trong lúc chờ giải quyết vụ việc. Một công ty khác của Malaysia đã đồng ý tiếp nhận số lao động muốn ở lại này.
Hiện nay, thông tin về lao động bị ngược đãi, ép làm việc quá sức chưa được kiểm chứng. Ông Hải khẳng định, lao động dù chưa có việc cũng vẫn được Công ty Asmana hỗ trợ lương tối thiểu (500 Rm/tháng, tương đương 3,4 triệu đồng). Trả lời câu hỏi của PV NTNN về việc công ty nào giữ hộ chiếu của lao động, ông Đào Công Hải cho biết, cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh được.
Về phía Công ty cổ phần Việt Hà, ông Hải khẳng định công ty này đã không làm tốt trách nhiệm đôn đốc môi giới phía bạn gia hạn visa khi visa sắp hết hạn: "Đây là bài học kinh nghiệm, chúng tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ thực hiện việc yêu cầu đối tác thực hiện đúng các điều khoản liên quan tới visa, gia hạn hợp đồng"- ông Hải nói.
Huyền Lê