Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đã tập trung góp ý về quyền lao động, việc làm, an sinh xã hội và ưu đãi người có công. Về Điều 35 (sửa đổi bổ sung Điều 67) - công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội, một số ý kiến lại cho rằng nên quy định theo sàn tối thiểu, theo một mức chuẩn nhu cầu sống tối thiểu của con người và phù hợp với chuẩn quốc tế.
Hay tại Điều 38 sửa đổi bổ sung Điều 55 và 56 quy định "Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp nơi làm việc. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên”.
Có ý kiến góp ý nên bổ sung nội dung người lao động được hưởng quyền công bằng về điều kiện, cơ hội làm việc cũng như hưởng thụ. Cũng liên quan về vấn đề lao động, có ý kiến nêu rằng vệ sinh lao động là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều vấn đề khác.
Cũng liên quan đến việc góp ý về vấn đề "an sinh xã hội", theo một số đại biểu cần phải cân nhắc có nên sử dụng cụm từ này hay không vì đây là thuật ngữ khá phức tạp với nội hàm rộng, bao gồm cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội, cứu trợ và ưu đãi xã hội.
Điều 35 đề cập tới an sinh xã hội; sang Điều 41 nhắc tới dịch vụ y tế, khám chữa bệnh vốn là nội dung của an sinh xã hội, đến Điều 62 lại tiếp tục nói tới một trụ cột quan trọng của an sinh xã hội là chăm sóc sức khoẻ, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.
Điều 63 tiếp tục nói lại hệ thống an sinh xã hội với tính chất toàn diện, chia sẻ, công bằng và bền vững. Có thể nói, những quy định trực tiếp đến chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội, chính sách người có công vẫn chưa có tính tập trung, không có sự liên kết cần thiết trong một cụm vấn đề.
Theo đó, có ý kiến góp ý nên kế thừa cách thể hiện của Hiến pháp 1992 hiện hành là quy định rõ chủ thể cụ thể nào, có quyền gì trong mỗi lĩnh vực của an sinh xã hội và sự bảo đảm của Nhà nước đối với các quyền đó.
Đảng bộ Báo NTNN giao lưu, tìm hiểu về bản dự thảo Hiến pháp
Sáng ngày 8.3, GS-TKSH Phan Xuân Sơn (giữa) - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - đã có buổi nói chuyện, giao lưu với tập thể Đảng bộ bộ phận Báo NTNN xoay quanh những vấn đề liên quan tới bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Tại buổi nói chuyện, GS Phan Xuân Sơn đã đề cập và phân tích những thay đổi quan trọng trong bản dự thảo Hiến pháp so với bản Hiến pháp năm 1992 như thay đổi tại Điều 4, những vấn đề liên quan tới sở hữu đất đai toàn dân, mô hình Nhà nước "tam quyền phân lập" hay phân tích rõ vì sao khó có thể phi chính trị hóa quân đội…
H.P
Lương Kết