Không dừng lại ở đào tạo nghề
Đó là nội dung của Thông tư liên tịch vừa được Bộ GD – ĐT và Bộ LĐ-TB&XH ký kết ngày 27–10 tại Hà Nội.
Theo ông Dương Đức Lân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, nhiều năm nay, các trường trung cấp và CĐ nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH (và các bộ khác, trừ Bộ GD-ĐT) chỉ dừng lại ở đào tạo lao động tay nghề trình độ trung cấp, CĐ. Nhiều học viên ra trường muốn học thêm để nâng cao tay nghề cũng... chịu.
Học nghề điện tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. |
Thông tư liên tịch đã “cởi trói” cho các trường trung cấp, CĐ nghề ở khâu tuyển sinh, đào tạo và đầu ra cho học viên. Theo đó, những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề và CĐ nghề đều có thể được dự thi tuyển sinh đào tạo liên thông lên trình độ CĐ và ĐH cùng ngành nghề theo quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD - ĐT.
Đối với người đã tốt nghiệp trung cấp nghề, nếu chỉ tốt nghiệp THCS phải học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp THPT đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thời gian đào tạo liên thông từ trung cấp lên CĐ và từ CĐ lên ĐH được thực hiện từ 1,5 đến 2 năm; từ trung cấp nghề lên trình độ ĐH được thực hiện từ 3 – 4 năm.
Cũng theo thông tư này, việc tuyển sinh và chương trình đào tạo phải được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD–ĐT; việc xây dựng chương trình liên thông theo nguyên tắc bù đủ những khối lượng kiến thức, kỹ năng còn thiếu, tránh trùng lặp để đảm bảo đạt chuẩn trình độ CĐ, ĐH theo quy định của Bộ GD – ĐT.
Ông Trần Văn Đông - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nội bày tỏ: “Hơn 180 trường CĐ nghề và 290 trường trung cấp nghề trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH đã chờ đợi thông tư này từ rất lâu. Đây không chỉ là cơ hội cho học sinh trường nghề mà còn là cơ hội để các trường trung cấp và CĐ nghề tự tin đào tạo chuyên sâu hơn về tay nghề cho lao động.
Chất lượng của …đường vòng
Nguyễn Văn Nam - (học sinh Trường Trung cấp nghề Viglacera)
Trong khi các trường trung cấp, CĐ nghề hào hứng được “cởi trói” thì các trường ĐH, CĐ chính quy thuộc Bộ GD – ĐT lại tỏ ra nghi ngại về sự chênh nhau giữa trình độ đào tạo.
Nếu như ở trình độ trung cấp nghề cũng có thể đi đường vòng để có bằng ĐH thì liệu chất lượng tấm bằng ĐH còn xứng với tầm của nó?
Giải đáp thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ GD–ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Không phải trường trung cấp, CĐ nghề nào cũng có thể được đào tạo liên thông. Khi trường muốn liên thông thì phải làm đăng ký, trong đăng ký đó, trường phải nói rõ chương trình đào tạo của hệ này, bổ sung bao nhiêu kiến thức về lý thuyết, môn nào, bao nhiêu giờ… Trên cơ sở đó Bộ mới xem xét. Ngoài ra, các trường phải công khai về cơ sở vật chất và trình độ giáo viên để Bộ GD-ĐT phê duyệt”.
Liên quan tới chất lượng, chính Bộ GD – ĐT cũng thừa nhận: Nhiều năm qua khi thực hiện áp dụng liên thông trong hệ thống GD – ĐT thì học sinh trung cấp, CĐ rất mạnh về thực hành. Khi liên thông chỉ cần tăng cường dạy lý thuyết.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm: “Việc quản lý đào tạo học sinh các trường trung cấp, CĐ nghề liên thông được thực hiện theo quy chế tổ chức hệ tại chức đã có. Bộ sẽ quản lý trên cơ sở chất lượng đào tạo. Vì vậy dù có được dạy tại trường ĐH, CĐ hay các trung tâm GDTX, thậm chí ở địa phương thì vẫn có cơ chế phù hợp, chặt chẽ”.
Thiên Hà