HLV Dido, Letard, Tavares và cả người sùng bái Quyến nhất là Alfred Riedl cũng đều đã phải trục xuất Quyến khỏi đội tuyển Việt Nam vì chịu không thấu cậu học trò ngỗ ngược.
Dido là ông thầy "phủi" nhất mà bóng đá Việt Nam từng thọ giáo. Là người Brazil, HLV này dẻo dai và khéo léo đến mức nhiều tuyển thủ ta khi đó cứ nhìn chân vị HLV này vân vê trái bóng mà thèm… nhỏ dãi. Nhưng Dido hầu như không có giáo án chiến thuật gì cả và tính ông cũng nóng nảy như một cái vạc dầu.
Lúc Dido nắm U23 Việt Nam (năm 2001) chuẩn bị cho SEA Games 21 thì Văn Quyến vẫn còn là một cậu bé chưa đủ 18 tuổi. Dẫu vậy các "ngón nghề" ăn chơi thì Quyến đã đủ sành. Dĩ nhiên, ở đẳng cấp "quái nhân", Dido thừa kinh nghiệm về sự phóng túng để nhìn ra Quyến. Dido khoái đôi chân của Quyến hết cỡ. Ông cũng ghét cay ghét đắng sự lười nhác và khệnh khạng của "Thằng béo". Trong khi các đồng đội hùng hục, mướt mải mồ hôi vì "ăn cháo thể lực" thì Quyến cứ nhẩn nha, qua quýt. Dido đã bảo trợ lý nhắc Quyến nhiều lần, nhưng Quyến vẫn chứng nào tật nấy.
Một buổi chiều ở Nhổn, sau trận đấu chia đôi đội hình, Dido yêu cầu toàn đội căng cơ. Tất cả đều răm rắp, trừ Quyến và Ánh Cường, "đôi bạn cùng tiến" từ thời U16. Không ai khác, Ánh Cường là người đầu tiên châm điếu thuốc cho Quyến hút và dẫn dụ Quyến vào những thú chơi trụy lạc.
Dido đã nóng mắt với Quyến từ đầu buổi tập. Ông lại gần, kéo áo Quyến, ra dấu "mày phải thực thi mệnh lệnh". Nhưng Quyến, với vẻ lạnh lẽo, phớt đời, đã bỏ ngoài tai. Không kìm chế nổi, Dido giang tay cho Quyến một cái bạt tai.
Về sau, một số ít người chứng kiến sự việc đã tả lại rằng khuôn mặt trắng trẻo, thư sinh của Quyến chỉ trong phút chốc đỏ phừng phừng. Dido thì sửng cồ, quát tháo như một người điên. Ngay sáng hôm sau, Dido cương quyết đòi đuổi Quyến về CLB. SEA Games năm đó, Quyến không có mặt, dù anh là cầu thủ trẻ được chờ đợi nhất Đông Nam Á.
Cái tát của Dido không làm cho Quyến tỉnh ra. Quyến tiếp tục trượt dốc, nhưng đấy mới chỉ là con dốc mang tên thái độ. Tuổi trẻ cho phép Quyến vẫn tiếp tục leo phăm phăm lên con dốc phong độ, tiếp tục thăng hoa, tiếp tục trở thành thần tượng của bao người.
Christian Letard, năm 2002, thay thế vai trò của Dido ở đội tuyển Việt Nam. Như một lẽ tất nhiên, Quyến có tên trong danh sách của nhà cầm quân người Pháp. Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, Quyến lại bị "trả về địa phương".
Nguyên nhân vẫn chỉ là: Lười tập. Trong cuốn sổ tay của Letard, có những ngày ông gạch dưới tên Văn Quyến những nét cào gần như rách giấy, với dòng chữ "Không thể chấp nhận nổi".
Sau khi Letard ra đi, Tavares quay trở lại. Tavares là HLV ngoại đầu tiên của bóng đá Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, từng để lại những ấn tượng cực kỳ sâu đậm về cuộc cách mạng thể lực. Nhưng Quyến không có duyên với những ông thầy Brazil, mà đúng hơn là với những vị HLV chú trọng sức bền. Mùa Thu năm 2004, Quyến một lần nữa bị đuổi khỏi đội tuyển Việt Nam, sau một cơn giận tím tái mặt mày khác của HLV Tavares.
Đến Việt Nam lần thứ hai, Tavares mang theo HLV thể lực Birowisc. Ông này bị Quyến giễu cợt đủ trò. Quyến còn chế riêng cho ông biệt danh "Bí đỏ". Ông "Bí đỏ" là tác giả của những bài tập sức mạnh vòng tròn, đeo bao cát, kéo dây chun… và Quyến ngán đến tận cổ.
Quyến luôn tìm cớ để tránh bị nhồi món "cháo thể lực" này. Hồi đó, các cầu thủ đều "vàng mắt" nhưng chỉ có Quyến dám công khai chống đối Tavares.
Xưa nay, Tavares đã quen tác phong "thét ra lửa". Mãi sau này, khi ông gục đầu khóc như một đứa trẻ vì đội tuyển Việt Nam thất bại ở Tiger Cup 2004, người ta mới vỡ ra rằng ông phải thét lác như vậy để giấu sự yếu đuối bên trong. Không nhiều người biết, mỗi lần căng thẳng hay tức giận, Tavares đều phải dùng thuốc ngủ.
Hôm quyết định đuổi Văn Quyến xong, Tavares cũng phải uống một vốc thuốc an thần. Ông chưa gặp một học trò nào ngỗ ngược như "Thằng béo". Khi Tavares bắt tay vào việc thì Quyến đã bắt đầu yếu đuối, hậu quả của những ngày tháng chơi bời đốt sức. Cộng thêm thói đủng đỉnh, ông kễnh đã ăn vào tính cách, Quyến làm cho Tavares sôi máu.
Buổi chiều ngày 20/10/2004, Quyến lững thững ra sân tập muộn. Cả buổi hôm đó, trốn bài thể lực đã đành, Quyến còn làm ngơ luôn những chỉ đạo chiến thuật của Tavares. Sau 3 lần liên tiếp chứng kiến Quyến làm sai yêu cầu của mình, Tavares "nổi tam bành". Gương mặt ông biến dạng, nó rúm ró, méo xẹo đi, khóe môi giật giật. Ông chỉ mặt Quyến, chửi thề một tràng, rồi gằn giọng: "Cút, cút ngay. Từ mai tao không muốn thấy mày ở đây nữa".
Quyến, với vị thế của một ngôi sao, không có thói quen nhẫn nhịn. Xác định rất nhẹ nhàng: Đuổi thì về, Quyến mặc nguyên cái áo khoác ngoài màu đỏ, vắt đôi giày xanh vẫn còn đính mấy cọng cỏ lên vai, bước đi không thèm ngoảnh lại.
Trời mưa lất phất. Quyến vẫy một chiếc taxi vào thẳng trung tâm thành phố. Đồ đạc ở Nhổn đã có người thu dọn mang về sau…
Quyến không biết rằng "quá tam ba bận", những viên thuốc ngủ và ánh mắt tóe lửa của Tavares là điềm báo cho sự tuột dốc không phanh của một "Thần đồng" thất sủng…