Xua tàu cá đến khai thác trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc còn đưa thêm phóng viên đi theo để ghi hình, đưa tin.
Mục đích của họ không chỉ là khai thác cá, mà tuyên truyền cho người dân về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Lối tuyên truyền xuyên tạc của Trung Quốc không qua mặt được cộng đồng quốc tế, nhưng người dân nước họ tin rằng, biển của họ là “cái lưỡi bò” do Bắc Kinh vẽ ra. Chính những ngư dân Trung Quốc đang xâm nhập vào biển của Việt Nam cũng cho rằng đó là biển của họ. Không chỉ ngư dân, mà nhiều người dân Trung Quốc đều có suy nghĩ như vậy, ngoại trừ một số học giả có nghiên cứu và có nhân cách khoa học, tôn trọng sự thật.
Nếu xem rằng tuyên truyền về chủ quyền biển đảo là rất quan trọng, nhất là trong thời điểm này, thì chúng ta đã đáp ứng với yêu cầu thực tế chưa, đã làm tốt chưa? Có thể trả lời rằng chưa tốt. Bởi vì quá lâu, vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và thông tin lịch sử về 2 quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa rất ít xuất hiện trên báo chí. Gần đây, khi những xung đột trên Biển Đông trở nên căng thẳng, thì tin tức về 2 quần đảo này mới được đề cập đến nhiều hơn.
Để nâng cao nhận thức, ý thức về chủ quyền, cần có một quá trình giáo dục và tuyên truyền lâu dài. Vì thiếu quá trình đó, nên không ít thanh thiếu niên tròn xoe mắt hỏi Hoàng Sa, Trường Sa ở đâu, có những người cho rằng đó là bãi hoang chim ỉa, và rất ít người biết rõ ràng ai đã đánh chiếm Hoàng Sa và các địa danh Gạc Ma, Cô Lin của quần đảo Trường Sa.
Và cũng chính vì thế, mới có chuyện hơn 100 ngư dân Thanh Hóa đi làm thuê chui cho tàu cá Trung Quốc. Những ngư dân này có biết về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, có biết Trung Quốc từng đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, một số đảo của Trường Sa năm 1988 không? Những ngư dân này có biết Trung Quốc đang âm mưu độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của họ không? Rất có thể những ngư dân này không biết, hoặc biết không đầy đủ, và không cảnh giác về những âm mưu thâm độc của Trung Quốc.
Hãy cho ngư dân hiểu rõ rằng, chính Trung Quốc chiếm biển đảo của Việt Nam, bắt ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc, đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam trên biển, bắn vào tàu cá của ngư dân Việt Nam. Và phải biết rõ, tàu cá Trung Quốc xâm lấn biển của Việt Nam, lại còn thuê ngư dân Việt Nam khai thác cá của Việt Nam. Phải làm gấp, nếu không thì rơi vào một âm mưu mới của Trung Quốc trong chuỗi những hành động xâm chiếm Biển Đông.
Chân Tâm