Dân Việt

VĐV bỏ trốn thiếu ý thức về trách nhiệm quốc gia

21/03/2012 06:50 GMT+7
(Dân Việt) - Hơn một tuần sau khi hai VĐV đội tuyển đua thuyền rowing bỏ trốn ở Australia, người thân của họ đang mất ăn mất ngủ, còn các chuyên gia thì lo lắng về ý thức với nhiệm vụ quốc gia của VĐV...

Mong con sớm trở về

Trao đổi với Dân Việt chiều qua (20.3), bà Phạm Thị Dinh (43 tuổi), mẹ VĐV Nguyễn Phương Đông (22 tuổi, ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) nghẹn ngào: “Ngay sau khi thầy Hải (HLV Lê Trọng Hải-PV) về báo tin Đông ở lại Australia, chúng tôi rất bàng hoàng.

img
VĐV Nguyễn Phương Đông

Gia đình thường xuyên liên lạc trực tiếp với một người cháu họ đã sang định cư tại Australia 13 năm thì được biết Đông chỉ liên lạc 1 lần với chị họ. Bản thân tôi cũng như Đông chưa từng gặp mặt chị họ của cháu. Tôi nghĩ, chắc Đông bị bạn bè rủ rê thôi. Tôi chỉ mong con sớm về ngày nào là mừng ngày ấy”.

Trong khi đó, HLV Lê Trọng Hải - người trực tiếp về nhà Đông báo tin, cho biết: “Tôi đã ngồi nói chuyện với bố mẹ Đông cả nửa ngày. Gia đình có 2 chị em, bố mẹ làm nông, vất vả lắm. Tôi chỉ biết động viên gia đình nếu nhận được điện thoại của Đông thì khuyên nhủ em trở về nước để tránh những điều đáng tiếc”.

Còn HLV Vũ Dũng - người đã về nhà VĐV Lương Đức Toàn (20 tuổi, Bình Giang, Hải Dương) nói: “Hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, làm nông thôi. Họ cũng tỏ ra lo lắng khi hay tin con mình không trở về Việt Nam cùng đội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ về nhà em nói chuyện một lần nữa”.

“Lỗ hổng” nhận thức

Hiện chưa ai có thông tin gì mới và chẳng biết hai VĐV Phương Đông, Đức Toàn có về nước (và về theo “hình thức” nào) nhưng chắc chắn hình ảnh Thể thao Việt Nam một lần nữa bị ảnh hưởng. Các đội tuyển đi tập huấn nước ngoài thời gian tới sẽ bị “soi”, kiểm soát rất kỹ.

Kế hoạch giành vé dự Olympic 2012 của rowing VN còn rất thấp bởi Phương Đông, Đức Toàn (từng giành HCB, HCĐ SEA Games 2011) chính là những niềm hy vọng lớn.

Về vấn đề này, ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nhận định: “Có thể vì lý do mưu sinh, số ít VĐV đã không ý thức được trách nhiệm của một tuyển thủ quốc gia. Sau các vụ việc xảy ra trước đây trong quá khứ, Tổng cục TDTT đã lưu ý HLV, lãnh đạo các đội tuyển phải giữ toàn bộ giấy tờ, hộ chiếu… của VĐV mỗi khi xuất ngoại. Nhưng không thể đề phòng hay kiểm soát họ 24/24 giờ được”.

Theo đúng quy trình, Tổng cục TDTT đã báo cáo sự việc với Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia. Sau đó, cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Australia sẽ tiếp tục phối hợp với cảnh sát địa phương tìm kiếm các VĐV.

Chia sẻ với ý kiến của ông Thắng, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, từng nhiều lần làm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games bày tỏ: “Chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý, giáo dục ý thức màu cờ sắc áo, lòng tự tôn dân tộc cho các VĐV. Có nhiều lý do để một người quyết định bỏ trốn, định cư ở nước ngoài khi có cơ hội. Các VĐV vốn có hoàn cảnh khó khăn càng dễ bị lôi kéo nếu biết rằng với sức vóc của mình, có thể kiếm 60-70 USD/ngày nếu đi làm các công việc chân tay ở nước ngoài. Sau 3-4 năm chịu khó tích lũy về nước có thể đổi đời…”.

Theo ông Minh, rất khó quy trách nhiệm cho HLV trực tiếp đi theo đội ra nước ngoài hay lãnh đạo bộ môn: “VĐV trên 18 tuổi có quyền làm và quyền tự chịu trách nhiệm về hành động của mình rồi”.