Dân Việt

Nuôi lợn không mùi bằng đệm sinh học

22/03/2012 10:20 GMT+7
(Dân Việt) - Giảm ô nhiễm, lợn ít bệnh, tăng trưởng tốt, đỡ công chăm sóc... là những ưu điểm của mô hình chăn nuôi lợn bằng đệm sinh học đang được triển khai tại nhiều địa phương.

“Thơm” như trong nhà

Dẫn chúng tôi vào thăm khu chuồng lợn của mình, anh Vũ Đức Mạnh ở xã An Đỗ, huyện Bình Lục (Hà Nam) khoe: “Đấy, ông xem, không có mùi gì nhé, trong chuồng lợn mà thơm như trong nhà”. Xua đàn lợn sang một bên, anh bốc nắm bột đen dưới nền chuồng lên giới thiệu, đúng là mùi hôi của phân lợn không còn, nắm bột trên tay anh Mạnh chỉ còn thoang thoảng mùi gỗ mục.

img
Mô hình nuôi lợn bằng đệm sinh học ở Bình Lục (Hà Nam).

Anh Mạnh cho biết: “Từ khi nuôi lợn theo hình thức đệm sinh học này, tôi không còn phải chịu cảnh bị bà con trong xóm phàn nàn vì nuôi lợn gây ô nhiễm. Hơn nữa, lợn nuôi cũng lớn nhanh hơn, chỉ gần 4 tháng có thể xuất bán. Đệm sinh học còn có ưu điểm là giữ ấm tốt, nhờ đó đỡ tốn điện thắp sáng, sưởi ấm, dịch bệnh cũng ít hơn, nhất là bệnh hen suyễn gần như không còn. Chưa kể, nuôi lợn bằng đệm sinh học còn đỡ được khâu vệ sinh chuồng, tắm cho lợn. Ngoài ra, cũng có thể lấy lớp đệm chuồng lợn dùng để bón cho ruộng.

Ông Tống Đức Du - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Lục cho biết: “Gia đình anh Mạnh là một trong 13 mô hình được triển khai thí điểm tại huyện Bình Lục. Các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 100% kinh phí làm đệm và hướng dẫn quy trình với kinh phí 3,2 triệu đồng/hộ. Hiện đã có nhiều gia đình trong huyện đề nghị được thí điểm mô hình này”.

Dễ làm, giá rẻ

Cách nuôi lợn bằng đệm sinh học rất đơn giản. Trung bình mỗi chuồng nuôi với 10 con lợn (rộng 20m2), chỉ cần bố trí một lớp đệm dày 60cm gồm mùn cưa (chiếm 70%), trấu (30%), cộng với 2kg chế phẩm sinh học BANASA N01 do Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội sáng chế và một lượng nhỏ bột ngô. Để tạo thành một lớp đệm, người chăn nuôi chỉ cần trộn đều các nguyên liệu trên với nhau, rồi phun nước đủ ẩm, ủ trong khoảng 3 ngày.

Chế phẩm BANASA N01 đang được bán tại nhiều đại lý trên toàn quốc với giá 70.000 đồng/kg. Hộ chăn nuôi muốn tìm hiểu thêm thông tin kỹ thuật và địa điểm bán chế phẩm này có thể liên lạc với TS Nguyễn Khắc Tuấn số điện thoại: 0983097660.

Khi cho lớp đệm vào chuồng, tiến hành chia thành 2 lớp, mỗi lớp dày 30cm; giữa hai lớp có thể rải thêm một lớp mỏng chế phẩm sinh học. Sau khi ủ, cho hỗn hợp vào chuồng tiếp tục ủ 3 ngày rồi cho lợn vào nuôi. Chia sẻ kinh nghiệm, anh Mạnh cho biết: “Trong quá trình nuôi, bà con có thể đảo lớp mùn để tăng khả năng phân huỷ. Lớp đệm sinh học có thể sử dụng trong thời gian 4 năm. Để tránh nóng cho lợn vào mùa hè, bà con có thể để lại 1/3 diện tích chuồng bằng xi măng để lợn nằm”.

Theo các chuyên gia Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, chế phẩm BANASA N01 gồm nhiều loại vi sinh vật (VSV) có lợi, giúp đẩy nhanh quá trình phân huỷ phân và nước giải của gia súc, tiêu diệt hết các VSV có hại sinh mùi khó chịu. Vì thế, trong chuồng không có chỗ cho ruồi muỗi sinh sôi, ngăn chặn các VSV gây bệnh, hạn chế sự lây lan bệnh tật giữa gia súc. Sản phẩm chăn nuôi vì vậy đảm bảo vệ sinh, chất lượng sản phẩm rất tốt vì vật nuôi được vận động nhiều, không bị “stress” hay bệnh tật. Ngoài ra, vật nuôi có thể ăn được nguồn VSV sinh ra từ quá trình phân huỷ nên giúp tiết kiệm được thức ăn.

Ngoài Hà Nam, mô hình chăn nuôi này còn được triển khai áp dụng đối với gà, ngan, vịt tại một số địa phương như Nam Định, Bắc Giang, Hà Tây, Sóc Sơn, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương…