Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1972 trong một gia đình ngư dân nghèo đông con ở vùng biển Diễn Ngọc. Cuộc sống càng khốn khó hơn khi người bố ra đi vì một cơn bạo bệnh khi Hùng mới 12 tuổi. Bố mất, Hùng phải vừa học vừa ra biển cào nghêu, bắt cua, bắt ốc, nhặt cá rơi... giúp mẹ nuôi các em.
Hàng trăm công nhân làm việc ở xưởng chế biến hải sản Hùng Châu. |
Thuở khó khăn
Anh xác định, chỉ có đường học vấn mới thoát nghèo. Từ lớp 1 đến lớp 12, Hùng luôn là học sinh tiên tiến xuất sắc. Tốt nghiệp THPT, Hùng không thi đại học. "Hồi đó tôi chẳng có đồng nào để đi thi, vả lại nếu có thi đậu cũng chẳng biết lấy tiền đâu mà đi học. Tôi còn 4 đứa em. Trước lúc mất, bố đã nắm tay tôi dặn: Bằng giá nào cũng không được để các em thất học"- Hùng nhớ lại.
Với chiếc xe tòng tọc cõng muối, nước mắm, cá đi bán rong ruổi khắp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. "Nhiều bận muối ế, cả ngày không có gì vào bụng, lại chở nặng, tôi bị ngất khi chở xe muối lên dốc giữa trưa hè nóng như đổ lửa. May được người dân gần đó đưa vào trạm xá cấp cứu. Nhưng điều vui nhất là các em tôi không phải bỏ học" - Hùng tâm sự.
Không chỉ nghĩ đến mẹ và các em, Hùng còn luôn nghĩ cho người khác. "Hùng có tấm lòng nhân hậu lắm, những ngày tháng khốn khó, kiếm được bát gạo phải đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt, nhưng có người ăn xin vào Hùng cũng san sẻ cho họ. Bà con lối xóm có việc gì cần Hùng đều xắn tay giúp đỡ" - ông Nguyễn Thông, hàng xóm của Hùng kể.
Làm giàu từ nước mắm
Phải làm gì để thoát nghèo, câu hỏi luôn trăn trở trong Hùng. Khi đang bế tắc, xem ti vi, anh thấy ở miền Nam người ta làm nước mắm thương phẩm và chế biến cá phi lê xuất khẩu lãi lớn. "Vùng biển quê mình có hơn 400 phương tiện đánh bắt hải sản, nguyên liệu dồi dào, lao động dư thừa, mình sẽ vào Nam tìm hiểu thị trường và mối làm ăn" - anh nghĩ rồi lên mạng tìm địa chỉ, bắt xe vào miền Nam thực hiện cơ đồ.
Vào Nam, anh xin làm công nhân cho một cơ sở chế biến hải sản. Có kiến thức, liên hệ được mối làm ăn, anh về quê vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gom hàng để sơ chế cá phi lê nhập cho mối ở miền Nam. Nhu cầu tiêu thụ cá ngày càng lớn, anh mua đất mở 2 xưởng sơ chế cá phi lê xuất khẩu, cá thức ăn gia súc và làm nước mắm thương phẩm mang tên Hùng Châu với tổng số vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng.
Xưởng chế biến hải sản Hùng Châu tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động với lương từ 3-6 triệu đồng/người/tháng. Lúc cao điểm, số lao động tới hơn 200 người. Anh Nguyễn Văn Tiến - công nhân xưởng Hùng Châu tâm sự: "Trước đây tôi đi biển đánh cá thu nhập chẳng đáng là bao. Từ khi anh Hùng mở xưởng, vợ chồng tôi xin vào làm hơn 4 năm nay, lương tháng rất ổn định. Nhờ làm ở đây vợ chồng tôi đã cất được nhà khang trang, nuôi được đàn con ăn học".
Hỏi về thu nhập, Hùng không giấu giếm: "Ngoài sơ chế cá phi lê xuất khẩu, cá thức ăn gia súc, thì nước mắm thương phẩm nhãn hiệu Hùng Châu bán rất chạy. Mỗi năm tôi thu 4-5 tỷ đồng". Anh tiết lộ: "Tôi đang nghiên cứu thị trường để chế biến, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước. Sắp tới tôi sẽ mở rộng nhà xưởng, mua thêm dây chuyền máy móc hiện đại để sản xuất. Ước mơ của tôi là tạo việc làm cho nhiều lao động".
Tiến Dũng