Dân Việt

Hiệu quả từ HTX ngành nghề

14/12/2010 14:00 GMT+7
(Dân Việt) - Tại Hà Nam, hoạt động của nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) “èo uột”, xã viên đông nhưng lợi nhuận rất ít. Trong khi đó, HTX ngành nghề, ít xã viên, thành lập trên cơ sở tự nguyện... đang tỏ ra là mô hình hiệu quả.
img
Thu hoạch cá tại Chi hội đa canh, Hội ND xã Thanh Lưu (Thanh Liêm).

Đó là thực tế khảo sát của Hội ND và Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam về “Hoạt động của Hội ND tham gia xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác ở nông thôn” tại 2 huyện Kim Bảng và Thanh Liêm.

Xã viên đông, lợi nhuận thấp

Ông Trần Quốc Trịnh - Phó phòng Nông nghiệp huyện Kim Bảng thừa nhận: “Trong số 32 HTX DVNN của huyện, tới 13 HTX có hiệu quả hoạt động, kinh doanh trung bình, 9 HTX yếu kém, chỉ có 10 HTX khá. Đa số các HTX làm dịch vụ thiếu vốn lưu động, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Một số HTX đang lâm vào tình trạng nợ nần lớn...”.

Liêm Tuyền là một trong số ít HTX DVNN làm ăn khá ở Thanh Liêm, nhưng nói như ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ nhiệm HTX thì “chỉ là khá trong phạm vi huyện thôi”. Ông Sơn cho biết: “Chúng tôi có 940 xã viên, phần nhiều là hội viên Hội ND.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng chỉ đạo các cấp Hội ND tỉnh Hà Nam khảo sát thêm tại các huyện khác để làm rõ hơn về thực trạng của HTX DVNN, cụ thể: Hội ND đã làm gì để xây dựng kinh tế hợp tác ở nông thôn; việc xây dựng kinh tế hợp tác có tác dụng như thế nào đối với ND; kinh tế hợp tác nên đi theo hướng nào... Kết quả khảo sát giúp tỉnh và các ban, ngành T.Ư, Hội ND có cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 26 những năm tới...

Thu hút xã viên thực tế là “đánh trống ghi tên” chứ có ai tự nguyện viết đơn xin vào HTX và đóng góp vốn đâu. Lợi nhuận hằng năm chỉ đủ cho chi phí duy trì HTX...”. Xã viên nhiều, lợi nhuận chẳng bao nhiêu cũng là tình trạng chung của các HTX DVNN khác trên địa bàn huyện Thanh Liêm. Có HTX hiện tồn tại được là nhờ chính sách cấp bù thủy lợi phí của nhà nước.

Huyện Kim Bảng hiện có 20 HTX DVNN thực hiện thành công chuyển đổi và đổi mới tổ chức quản lý, thành lập mới theo Luật HTX. Các HTX DVNN ở Kim Bảng có sự góp vốn tự nguyện của xã viên, không có HTX trung bình và yếu kém.

Tuy nhiên, các HTX DVNN ở Kim Bảng cũng vẫn nằm trong tình trạng chung là đông xã viên, lợi nhuận thấp. Ông Nguyễn Văn Đài - Chủ nhiệm HTX DVNN Đại Cương cho biết: “Với 1.274 xã viên, lợi nhuận mỗi năm từ 30-45 triệu đồng, nếu chia theo đầu xã viên thì mỗi người được trên dưới 35.000 đồng/năm. Dịch vụ điện đang chuyển dần sang cho điện lực quản lý. Các dịch vụ cung ứng vật tư, giống, thu mua nông sản thì khó cạnh tranh với tư thương, doanh nghiệp...”.

Mô hình HTX ít xã viên

Thành lập năm 2008 trên cơ sở tập hợp tự nguyện của các hộ cùng nghề, đến nay HTX chăn nuôi, thuỷ sản Khả Phong thu hút được 156 xã viên. Nhờ huy động tốt nguồn vốn đầu tư, sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước khu vực Đồng Son, Đồng Cỏ và lao động của xã viên nên HTX đã làm ăn hiệu quả sau 2 năm hoạt động.

Bình quân các hộ xã viên có thu nhập 15 triệu đồng/khẩu/năm. Tại huyện Thanh Liêm, tháng 5-2010, Hội ND huyện đã chỉ đạo thành lập HTX nuôi trồng thuỷ sản Thanh Hải. HTX có 224 hộ xã viên góp vốn đầu tư nuôi thuỷ sản trên diện tích 90ha. Nhờ tổ chức sản xuất phù hợp nên năng suất, sản lượng thuỷ sản tăng, bước đầu lợi ích của xã viên được đảm bảo.

Bà Lê Thị Hồng Lạng- Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Nam cho biết: “Những năm gần đây, Tỉnh Hội chỉ đạo, hướng dẫn Hội ND các huyện, thị và cơ sở thành lập các chi hội ngành nghề, trên cơ sở đó thành lập HTX ngành nghề hoạt động theo luật”.

Theo lý giải của bà Lạng, việc thành lập HTX ngành nghề sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh của ND, bởi HTX có tư cách pháp nhân trong ký kết các hợp đồng kinh tế. Trên cơ sở các chi hội ngành nghề, Hội ND tỉnh sẽ chỉ đạo thành lập các HTX may; HTX gò hàn và một số HTX chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản...