Mới nhất, đoàn công tác của Hội đồng nghiệm thu nhà nước kết luận nguyên nhân xảy ra việc nước thấm chảy qua thân đập là do lỗi từ thiết kế, thi công đến vận hành.
Dân gian nói “cháy nhà ra mặt chuột”, vận vào trường hợp này rất chuẩn. Nếu không xảy ra việc thấm nước thì sẽ không phát hiện được có những lỗi như đã nêu trên. Thực hiện một dự án quan trọng như vậy, nhưng dường như khâu nào cũng phạm sai sót. Các sai sót kỹ thuật đó đã lọt qua được rất nhiều khâu thẩm định, phê duyệt.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các lỗi đó đã bị bỏ qua, do trình độ kém hay vì lý do nào khác? Từ chiếc đập Thủy điện Sông Tranh 2, nghiệm ra một mối nguy lớn ẩn chứa ở các dự án xây dựng, đặc biệt là thủy điện. Nếu như để xảy ra các sai phạm, hậu quả thật khôn lường.
Bây giờ không phải là lúc tranh cãi để bảo vệ uy tín hay trách nhiệm của bất kỳ cá nhân hay đơn vị nào, mà cần sớm xác định được sai sót để khắc phục. Các chuyên gia xác định việc rò rỉ nước chưa ảnh hưởng đến an toàn và vận hành của công trình, nhưng cũng cần phải tổ chức các đợt kiểm tra khác để có những kết luận khách quan, khoa học nhất.
Chuyện đúng sai ở đây không phải là tranh luận ở một dự án đang còn trên giấy mà là một công trình đang mang mối đe dọa gây ra thảm họa. Cho nên, việc bảo vệ tính mạng của hàng vạn dân vùng hạ du phải được đặt lên hàng đầu. Nói như nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập: “Đừng chủ quan với sinh mạng người dân”.
Người dân vùng hạ lưu rất hoang mang trước sự cố của đập Thủy điện Sông Tranh 2, cho nên việc xác định lỗi kỹ thuật và triển khai xử lý khắc phục cần phải làm nhanh chóng và hiệu quả. Người dân không chỉ được đảm bảo tuyệt đối an toàn mà còn phải an tâm.
Sau khi xử lý thành công sự cố đập Sông Tranh 2, thì còn thêm một việc phải làm cho rõ, đó là vì sao để xảy ra các lỗi từ thiết kế, thi công đến vận hành? Những cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm để xảy ra sai sót dẫn đến hậu quả này? Cũng cần nói thêm, chi phí cho các đoàn kiểm tra và khắc phục sự cố đập Sông Tranh 2 tốn kém không nhỏ.
Chân Tâm