Chương trình tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho ND ở Hải Dương được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm (TTDNGTVL) thuộc Hội ND tỉnh Hải Dương là đơn vị được giao triển khai mở lớp.
Ruộng rau VietGAP của gia đình anh Nguyễn Quyết Định (trái). |
An toàn từ sản xuất
Phạm Kha là xã trọng điểm trồng rau màu của huyện Thanh Miện, người dân có kinh nghiệm hàng chục năm trồng và kinh doanh các loại rau, củ, quả thực phẩm. Xã có 300ha thì diện tích trồng rau màu tới 200ha. Nhiều hộ có của ăn của để là nhờ trồng rau màu hàng hoá.
Theo ông Nguyễn Văn Mưa - Chủ tịch Hội ND xã Phạm Kha, từ lâu chính quyền và người dân đã nỗ lực xây dựng thương hiệu rau an toàn. Giữa năm 2011, Hội ND tỉnh mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, rất nhiều hộ đăng ký tham gia.
Anh Nguyễn Quyết Định (thôn Đỗ Hạ) chia sẻ: “Tôi đã áp dụng một số kỹ thuật VietGAP vào 5 sào rau màu của gia đình, như kỹ thuật bẫy sâu, bướm; khắc phục hiện tượng đất bị bó hòn bằng vôi bột; tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, giảm dùng phân bón và thuốc trừ sâu hoá học. Kết quả là rau màu phát triển tốt, sức khoẻ của những người trực tiếp sản xuất như chúng tôi cũng được cải thiện”.
Đối với những hộ có diện tích trồng rau màu lớn thì lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP càng có ích. Gia đình anh Nguyễn Đức Nghĩa làm tới 1 mẫu rau màu các loại. “Qua lớp tập huấn VietGAP, tôi biết nhiều kiến thức bổ ích, yêu cầu về sản xuất ngặt nghèo và có hệ thống hơn so với các lớp tập huấn kỹ thuật mà tôi đã tham gia trước đó”- anh Nghĩa nói.
Hỗ trợ đầu tư đồng bộ
Năm 2011, tại xã Phạm Trấn (Gia Lộc), TTDNGTVL tỉnh Hải Dương đã mở 3 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho 120 hộ hội viên, ND. Ông Nguyễn Xuân Thơ - Chủ tịch Hội ND xã Phạm Trấn cho biết: “Có thể ban đầu các lớp tập huấn chưa đáp ứng và có đủ điều kiện để thực hiện tất cả các yêu cầu kỹ thuật, nhưng quan trọng bà con đã ý thức rõ rệt hơn, cụ thể hơn về sản xuất an toàn”.
Thực tế sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ có thể thành công bền vững khi tay nghề kỹ thuật của ND luôn được bổ túc, nâng cao. Cùng với đó là sự đồng bộ của các mục đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thương mại. Anh Nguyễn Quyết Định ở thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha đề xuất: “Đối với ND các vùng sản xuất rau màu thực phẩm trọng điểm cần được tập huấn kỹ thuật, bổ túc kiến thức thường xuyên để bà con áp dụng nhuần nhuyễn trên đồng ruộng. Nhà nước cũng nên hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho sản xuất nông nghiệp VietGAP như hệ thống thuỷ lợi, nhà lưới...”.
Theo bà Phạm Thị Thu Bình - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương, việc tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP được Hội ND tỉnh thực hiện trong 5 năm, từ 2011-2015”.
Phương Đông