Năm 1987, ông Nguyễn Văn Hoàn (xóm Tiền Phong, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) ra quân và trở lại làm công nhân Nông trường Tuyên Quang. Thấy làm công nhân không thể giúp gia đình sống sung túc, năm 1993 ông xin nghỉ chế độ. Nghỉ rồi, nhưng làm ruộng thì không đủ ăn, ông quyết định xin địa phương cấp đất để trồng chè và keo. Mấy năm đầu do vốn, kỹ thuật có hạn nên chè thì bị sâu bệnh, keo thì khô héo, gia đình khó vẫn hoàn khó.
Với bản lĩnh người lính, ông không đầu hàng. "Tôi vừa làm vừa mò học hỏi qua sách, báo, đài và qua những đợt tập huấn của cán bộ khuyến nông huyện, tỉnh”- ông Hoàn kể.
Ông Văn Hoàn (phải) và chiếc máy cắt chè cải tiến. |
Năm 1997, Công ty Chè Mỹ Lâm quyết định giao đất cho hộ gia đình (theo nghị định 01/1995, ông Hoàn nhận toàn bộ diện tích bỏ hoang 11,5ha rồi mua thêm 2,5ha để trồng chè, keo và nuôi đàn dê 50 con. Ông cho biết: “Trừ chi phí, mỗi năm thu nhập của gia đình tôi trên dưới 800 triệu đồng. Năm 2012, tôi còn trồng thêm 1ha mía”. Vườn rừng của ông là địa chỉ để ông hướng dẫn bà con trong xóm kỹ thuật trồng, chăm sóc chè, keo và tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động nghèo với thu nhập 70.000 - 120.000 đồng/lao động/ngày.
Ông Hoàn bảo, muốn sản xuất ra chè sạch không dùng thuốc trừ sâu, nông dân phải cặm cụi vất vả bắt từng con sâu. Ông bắt tay nghiên cứu máy hút sâu chè. Chiếc máy của ông rất đơn giản, được làm từ máy cắt cỏ, máy bơm thuốc trừ sâu mua của những người buôn đồng nát. Mất gần 2 năm phá dỡ hàng chục chiếc máy, cuối cùng ông Hoàn đã chế tạo thành công máy hút sâu chè. Một chiếc máy hút sâu chè mỗi ngày có thể hút được cho 0,5ha chè, chỉ tiêu hao 2,5 lít xăng. Chiếc máy này đã được T.Ư Hội NDVN trao giải Nhì tại Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc năm 2010.
Ngoài máy hút sâu chè, ông còn cải tiến máy phát cỏ thành máy đốn chè, chế tạo thêm bộ phận bón phân hóa học rồi gắn vào máy cày mini để bón phân cho 14ha chè của gia đình. Ông cũng đang nghiên cứu cải tiến nâng công suất máy hút sâu và tìm cách hạ giá thành sản phẩm. “Với 1ha chè, nếu dùng máy hút sâu sẽ mất 2 công lao động và 5 lít xăng, tương đương khoảng 220.000 đồng, còn dùng thuốc trừ sâu hết khoảng 250.000 đồng nhưng lại không đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng” - ông Hoàn cho hay.
Nông Văn Nam