Dân Việt

Nghĩa tình hội đồng trang lứa

25/03/2012 18:22 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là tên hội mới được thành lập ở làng Hoắc Châu (xã Châu Sơn, Ba Vì, Hà Nội), tập hợp những người con của làng sinh từ năm 1944 đến 1949.

Ngày đầu họp hội năm 2012, nhiều người ở xa từ Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng, Sài Gòn, Hà Nội... cũng hẹn nhau về làng. Ai cũng tươi cười hân hoan tay bắt mà nước mắt rơi, bởi có người ra khỏi làng từ khi trai trẻ, 40 năm nay mới gặp bạn cũ. Họ đến với nhau, về với nơi chôn rau cắt rốn bằng cả trái tim, không quản đường xa tuổi tác. Buổi gặp mặt, họ ôn lại kỷ niệm xưa bằng những trò chơi dân gian thuở nhỏ như nhảy dây, nhảy sạp, bắn bi, đánh đáo... Cụ Năng, cụ Cánh- những người phụ trách thiếu niên nhi đồng đầu tiên của làng từ những năm 50 của thế kỷ trước cùng các học trò - giờ đã 60 tuổi ôn lại các bài hát: Yêu hoà bình, Sòn sòn đô sòn... và điệu nhảy sạp...

Sau gặp gỡ của những người còn sống là lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ. Hơn 100 liệt sĩ trong nghĩa trang xã Châu Sơn thì gần một nửa là đồng trang lứa. Những người bạn thắp hương cho nhau và nhắc nhở tới những người còn chưa được quy tập hài cốt về, như bạn Đinh Thị Trọng - người con gái của làng hy sinh tại xưởng quân giới ở Yên Bái năm 1965.

Ý tưởng thành lập Hội đồng trang lứa xuất phát từ những người con yêu quê- ban đầu là từ Hội trưởng Lê Minh Ngọc, dù đi xa nhưng vẫn đau đáu về quê nhà: “Bao nhiêu bạn bè ta nằm kia, vợ con nó đấy, ta phải làm một cái gì cho quê hương làng xóm, nếu không sẽ muộn". Tạ Quang Trung- người con lớp sau, một giám đốc trẻ của Công ty Xây dựng Sông Hồng nghẹn ngào nói: "Cuộc gặp của các bác, các chú giúp chúng cháu hiểu thêm về lớp cha anh của làng, nếu không chúng cháu chỉ biết như con bướm hút nhụy mà chẳng biết cây mọc từ đâu. Thời gian qua chúng cháu đã giúp đỡ quê hương tí chút như sửa sang đình, chùa, đường, nghĩa trang nhưng có thấm vào đâu với công lao trời biển của các lớp cha anh”...

Rất đơn giản gọn nhẹ, không lãng phí ồn ào, Hội đồng trang lứa hôm nay quả là bài học rất giá trị và giàu tính nhân văn, mỗi người đến đây là một câu chuyện gắn với làng quê cây đa bến nước. Tất cả đều ngầm hiểu với nhau: “Gặp nhau thì tuổi đã già - Kéo chiếu đắp lại thì gà gáy tan”, nên phải tụ họp, phải sống với nhau những ngày ý nghĩa.